Ngày 4/2, Chính quyền vùng lãnh thổ Palestine (PA) đã tiếp nhận 10.000 liều vắcxin Sputnik V của Nga tại Bờ Tây.
PA đã bắt đầu chương trình tiêm chủng cho các nhân viên y tế từ ngày 2/2 tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng sau khi tiếp nhận từ Israel 5.000 liều vắcxin của hãng dược phẩm Moderna. Tuy nhiên, PA cũng cho biết chương trình tiêm chủng của vùng này sẽ sử dụng những vắcxin mà vùng này đã đặt mua từ ít nhất bốn nhà cung cấp nước ngoài.
Lô vắcxin đầu tiên do Nga sản xuất đã được đưa tới sân bay Ben Gurion trong ngày 4/2 trước khi tiếp tục được chuyển tới Bờ Tây. Cơ quan Y tế Palestine cho biết số vắcxin mới được Nga bàn giao sẽ đủ để tiêm chủng cho 5.000 người dân vùng lãnh thổ này.
PA cũng hy vọng sẽ nhận khoảng 2 triệu liều vắcxin đã đặt hàng với một số nhà sản xuất và những liều vắcxin được cung cấp theo Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn tiếp cận vắcxin.
Tới nay, khoảng 109.000 người Palestine tại Bờ Tây nhiễm virus, trong đó có 1.337 ca tử vong. Vùng này có tổng cộng khoảng 2,8 triệu dân.
[COVID-19: Vắcxin của AstraZeneca có khả năng bảo vệ mạnh trong 3 tháng]
Cũng trong ngày 4/2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Damascus cho biết nước này sẽ viện trợ 150.000 liều vắcxin phòng COVID-19 cho Syria nhưng không nêu lịch trình cụ thể.
Trước đó các quan chức y tế Syria cho biết nước này đã đặt hàng vắcxin từ Trung Quốc và Nga nhưng đến nay chưa có thông tin cụ thể về các thỏa thuận. Các loại thuốc không chịu tác động của các biện pháp cấm vận nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Syria đã đăng ký tham gia cơ chế COVAX. Ngày 3/2, WHO cho biết đã triển khai các nhóm làm việc trên toàn Syria nhằm chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng vắcxin ở cả các khu vực do chính phủ kiểm soát và các vùng lãnh thổ ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, có thể sớm từ tháng Tư.
Ngày 4/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch tiêm chủng vắcxin ở nước này đã giúp giảm gần một nửa tỷ lệ mắc COVID-19 ở những người trên 60 tuổi và những ca bệnh nghiêm trọng ở độ tuổi này cũng giảm hơn 1/4 trong hai tuần qua.
Chính phủ Israel đã khởi động chương trình tiêm chủng từ ngày 19/12/2020 và đã tiêm được 35% trong tổng số 9 triệu người dân.
Phát biểu trên truyền hình ngày 4/2, ông Netanyahu khẳng định trong 16 ngày qua, tỷ lệ nhập viện do diễn biến nguy kịch ở nhóm những người trên 60 tuổi đã giảm đến 26% trong khi tỷ lệ số ca được xác nhận là mắc COVID-19 giảm khoảng 45%. Thủ tướng Israel khẳng định đây là kết quả trực tiếp của chương trình tiêm chủng vắcxin và sự lãnh đạo của nội các do ông mới triệu tập.
Hiện Israel đặt mục tiêu đến tháng Ba sẽ có 50% dân số được tiêm vắcxin với hy vọng tiến nhanh hơn tốc độ lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đang gặp khó khăn do số người đăng ký tiêm giảm đi./.