Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Nga đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ ngành hàng không trong nỗ lực đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 31/1, Cục trưởng Cục Hàng không Liên bang Nga (Rosaviasia) Alexander Neradko đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây, bao gồm lệnh cấm cung cấp máy bay và linh kiện cho Moskva, đồng thời đóng cửa thị trường châu Âu đối với các hãng hàng không của Nga.
Theo ông Neradko, để giảm thiểu hậu quả từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin đã cho phép đăng ký máy bay nước ngoài ở Nga và Thủ tướng Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh cho phép máy bay được bảo dưỡng bằng phụ tùng thay thế không chính hãng.
[Gần 80 máy bay của Nga bị thu giữ ở nước ngoài do lệnh trừng phạt]
Ngoài ra, trong năm 2022, Chính phủ Nga đã phân bổ hơn 172 tỷ ruble (hơn 2,45 tỷ USD) để hỗ trợ ngành hàng không dân dụng, tạo điều kiện vận chuyển gần 100 triệu lượt hành khách.
Theo Cục trưởng Neradko, Nga sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan hàng không của các quốc gia thân thiện và những tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Song song với đó, Nga cũng sẽ duy trì “liên hệ không chính thức” với những đối tác từ các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt nước này.
Theo người đứng đầu Rosaviasia, các đối tác thân cận nhất của ngành hàng không Nga là những quốc gia và doanh nghiệp chưa dừng các chuyến bay, nhất là những chuyến bay thẳng đến nước này.
Ông khẳng định: “53 hãng hàng không của 26 quốc gia đã không dừng bay và số lượng các chuyến bay (tới Nga) đang tăng lên.”
Không lâu sau khi bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái, hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đã đẩy ngành hàng không Nga vào thế cô lập.
Nhiều năm nay, ngành hàng không Nga vốn đã phụ thuộc nhiều vào phương Tây khi lượng máy bay nước ngoài, cụ thể từ các hãng Airbus và Boeing, chiếm 95%.
Khi các lệnh trừng phạt có tác dụng, bên cạnh việc cấm bay vào không phận Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, Nga không còn có được dịch vụ bảo dưỡng máy bay định kỳ, cũng như ngưng được cung cấp các phụ tùng thay thế cho đội bay của quốc gia này.
Các quốc gia khác cũng không bán phụ tùng cho Nga bởi lo sợ các lệnh cấm vận tương tự.
Trước tình hình này, ngành hàng không Nga đã đặt mục tiêu nội địa hóa, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây.
Đại diện Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec hồi năm ngoái cho biết Nga kỳ vọng sẽ sản xuất được 1.000 máy bay vào năm 2030, không cần phụ tùng và bảo dưỡng từ 2 hãng sản xuất lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing./.