Nga hoan nghênh Tổng thống Mỹ nối lại đàm phán với Triều Tiên

Ông Trump cho biết Mỹ sẽ sớm đàm phán với Triều Tiên, dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ diễn ra đúng kế hoạch tại Thụy Điển dù Triều Tiên thông báo thử thành công tên lửa.
Nga hoan nghênh Tổng thống Mỹ nối lại đàm phán với Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều ngày 30/6/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/10 đã đánh giá việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định nối lại đàm phán với Triều Tiên là một "động thái mang tính lịch sử" nhằm hóa giải căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, ông Trump cho biết Mỹ sẽ sớm đàm phán với Triều Tiên, dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ diễn ra đúng kế hoạch tại Thụy Điển bất chấp việc Triều Tiên thông báo thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nói: "Họ muốn đàm phán, và chúng tôi sẽ sớm nói chuyện với họ."

Về phần mình, Trung Quốc cũng hoan nghênh Mỹ-Triều nối lại đối thoại, và hy vọng hai bên sẽ nắm bắt cơ hội này để đạt kết quả tích cực.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 3/10, phái đoàn Triều Tiên do nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu Kim Myong-gil làm trưởng đoàn đã tới Thụy Điển, và dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc sơ bộ với phía Mỹ trước khi tiến hành đàm phán cấp chuyên viên chính thức về phi hạt nhân hóa vào ngày 5/10.

Thời gian và địa điểm cụ thể cho cuộc gặp ngày 4/10 chưa được tiết lộ.

Trả lời báo giới trước cuộc gặp, ông Kim Myong-gil cho biết: “ Đang có một tín hiệu mới từ phía Mỹ, vì vậy chúng tôi lên đường với những kỳ vọng và sự lạc quan rất lớn về kết quả.”

Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ gần đây cũng bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Bình Nhưỡng.

Kế hoạch đàm phán trên được đưa ra sau nhiều tháng bế tắc do khác biệt quan điểm giữa hai bên và những căng thẳng mới nảy sinh khi Triều Tiên phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hồi tháng Tám và gia tăng các vụ phóng thử vũ khí, mới nhất là cuộc thử nghiệm SLBM ngày 2/10, vốn được xem là một nỗ lực nhằm gia tăng sức ép với Mỹ trước đàm phán.

Trong khi 10 vụ phóng từ đầu năm đến nay được cho là các loại vũ khí tầm ngắn, vụ phóng mới nhất gây sự chú ý vì SLBM là một tên lửa đạn đạo tầm trung, mà người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đã nhận định là "vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an."

Trong phản ứng mới nhất, Anh, Pháp và Đức đã đề nghị tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vụ phóng mới nhất.

Cuộc họp có thể diễn ra sớm nhất trong ngày 4/10 theo giờ Mỹ, song khả năng cao là vào đầu tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.