Nga: Mỹ đang từng bước thực hiện chiến lược từ bỏ các cam kết quốc tế

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc rút khỏi INF là một phần trong chiến lược quốc gia của Mỹ về từ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau.
Novator 9M729. (Nguồn: ndtv.com)

Trong chương trình "60 phút" trên kênh truyền hình Rossya-1 ngày 1/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là một phần trong chiến lược quốc gia của Mỹ về từ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau.

Theo hãng tin Nga TASS, bà Zakharova nhấn mạnh: "Trên thực tế đây chỉ là một phần trong chiến lược chung của Mỹ nhằm phá vỡ và rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, đây không phải là vấn đề lỗi của Nga đối với việc vi phạm hiệp ước này. Đây cũng không phải là vấn đề Trung Quốc hay các nhân tố an ninh quốc tế khác. Đây thực chất là chiến lược của Mỹ về từ bỏ các cam kết quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lưu ý đến việc Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Phòng thủ tên lửa với lý do lo ngại mối đe dọa từ Iran, từ các phần tử khủng bố quốc tế. Nhưng khi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran được ký kết, chính giới Mỹ lại tuyên bố vấn đề không phải ở Iran và việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn sẽ được tiếp tục.

Tiếp đó, bà Zakharova dẫn ví dụ về lĩnh vực sinh thái. Mỹ đã rút khỏi các hiệp ước về sinh thái và môi trường. Hay như Mỹ rút khỏi các cam kết nhân đạo trong khuôn khổ Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO). Đây không phải vấn đề an ninh hay gánh nặng tài chính, cũng như chưa đề cập tới các cam kết tài chính hay kinh tế-thương mại.

Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh vấn đề chính ở đây là Mỹ quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa bá quyền để giải quyết mọi vấn đề. Đây là câu chuyện từ bỏ trách nhiệm đối với các hiệp ước quốc tế.

[Tổng thống Mỹ chuẩn bị giải pháp quân sự nhằm vào kho vũ khí của Nga]

Trước đó ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington từ ngày 2/2 tạm ngừng thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ INF và sau 6 tháng sẽ rút khỏi hiệp ước nếu Nga không có động thái nào nhằm quay trở lại thực hiện hiệp ước.

Mỹ lần đầu tiên cáo buộc Nga vi phạm INF vào tháng 7/2014. Sau đó Washington nhiều lần lập lại cáo buộc này. Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc này đồng thời đưa ra cáo buộc ngược lại rằng chính Mỹ vi phạm INF.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Tháng 10/2018, Tổng thống Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa Novator 9M729. Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là 2/2 tới. Tuy nhiên, Nga kiên quyết không tiêu hủy Novator 9M729, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục