"NATO muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh"

Nga: NATO muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh

Đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko khẳng định một số "nhân vật cấp cao" trong NATO muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Ngày 7/4, đại diện thường trực Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Alexander Grushko khẳng định một số "nhân vật cấp cao" trong NATO muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Kommercant (Nga), ông Grushko cho rằng Moskva phải đặt câu hỏi trước những hành động gia tăng hiện diện quân sự gần đây của NATO sát biên giới Nga, như việc NATO tăng gấp đôi các máy bay trinh sát AWACS tại các nước vùng Baltic, tăng cường hoạt động của lực lượng không quân tại căn cứ Laska (Ba Lan), hỗ trợ chính quyền lâm thời Kiev....

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố tại Washington (Mỹ) rằng bất kỳ hành động nào của khối này là hoàn toàn đúng đắn và không cần tham vấn bên nào.

Tuy nhiên, theo ông Grushko, đó là một sai lầm lớn và những bài học Kosovo, Iraq và Libya vẫn còn nguyên giá trị.

Bình luận về tuyên bố của NATO không loại trừ khả năng triển khai thêm 4.500 quân từ căn cứ Fort Hood (Texas, Mỹ) tới các nước Đông Âu tiếp giáp với Nga, ông Grushko cho rằng những động thái này sẽ phá vỡ các cam kết về kiềm chế quân sự, được quy định trong Hiệp ước Nga-NATO, và buộc Moskva phải đưa ra các biện pháp thích hợp để bảo vệ an ninh của mình.

Liên quan đến việc NATO ngừng hợp tác với Nga trên một loạt dự án đang thực hiện, trong đó có vấn đề Afghanistan, ông Grushko cho biết Moskva sẽ không thảo luận về vấn đề Afghanistan với NATO sau khi liên minh này ngừng cơ chế đối thoại với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.

Tuy nhiên, Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan theo kênh song phương, cũng như duy trì hợp tác với các tổ chức và các đối tác khác trên thế giới.

Trước đó, ngày 6/4, Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc Vitali Churkin đã cáo buộc phương Tây thường xuyên gây sức ép đối với các nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc trước mỗi lần cơ quan này bỏ phiếu thông qua các dự thảo nghị quyết.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTV, ông Vitali Churkin nhấn mạnh, khi bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về vấn đề Crimea, các nước phương Tây cũng đã gây áp lực lên các nước châu Phi và các nước châu Á thông qua những lợi ích kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục