Những người dân Nga đang "ôm" các khoản nợ bằng ngoại tệ đã tiến hành một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ vào ngày 28/1, yêu cầu các tổ chức tài chính tại nước này điều chỉnh các khoản vay trước sự giảm giá mạnh của đồng ruble.
Đồng tiền của Nga trong tuần trước rơi xuống mức thấp lịch sử so với đồng USD, tụt dưới mốc 82 ruble đổi 1 USD và khiến cho người dân gặp khó khăn hơn khi trả các khoản nợ và thế chấp bằng đồng USD.
Vào ngày 28/1, các nhóm khách hàng giận dữ đã biểu tình bên ngoài một số tổ chức tài chính ở Moskva và thậm chí xông vào bên trong, yêu cầu rằng những khoản nợ còn lại của họ được chấp nhận ở tỷ giá cũ. Tại Saint Petersburg, một nhóm khách hàng đã tập trung trước SMP-Bank, giương cao các dòng chữ bày tỏ sự tức giận.
Hàng chục nghìn người Nga đã đi vay và thế chấp bằng đồng USD trước khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 xảy ra, với lãi suất khi đó thấp hơn lãi suất các khoản vay bằng đồng ruble. Sự xuống giá mạnh của đồng ruble, do giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của Phương Tây, đã gây ra những hệ lụy lớn cho người dân.
Số tiền thanh toán các khoản vay, nếu được chuyển thành đồng ruble thì cao hơn rất nhiều trong hai năm qua. Chính phủ Nga ngày 28/1 đã thừa nhận người vay tiền ở Nga đang đối mặt với khoảng thời gian khó khăn, nhưng không đề xuất một giải pháp để giải quyết các vấn đề của họ.
Các nhà chức trách vẫn chưa buộc các ngân hàng đang chịu sức ép lớn về tài chính phải chịu thiệt hại hơn nữa qua việc tính toán lại các khoản nợ, và nói rằng các tổ chức tài chính cần chịu trách nhiệm trước các quyết định liên quan đến người đi vay.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nga hối thúc các ngân hàng tìm kiếm các giải pháp riêng cho người đi vay, trong đó thường bao gồm việc gia hạn thời gian thanh toán.
Sự bất bình của người đi vay chủ yếu chĩa vào DeltaCredit. DeltaCredit ngày 27/1 cho biết sẵn sàng tái cơ cấu nợ của khoảng 2.500 khách hàng, nhưng nói thêm năm ngoái nhiều người đã từ chối đề xuất tái cơ cấu nợ, khi đồng ruble phục hồi./.