Ngày 20/1, đồng nội tệ của Nga lại tiếp tục mất giá khi tiến gần về mức thấp nhất trong lịch sử cách đây hơn một năm với 79,56 ruble đổi 1 USD. Trước đó, tháng 12/2014, đồng nội tệ của Nga chạm mốc 80 ruble/USD.
Trong khi đó, tỷ giá đồng euro so với đồng ruble cũng rơi xuống mức 87,67 ruble/euro, vượt qua mức 87 ruble đổi 1 euro lần đầu tiên từ ngày 16/12/2014. Hồi tháng 12/2014, đồng ruble của Nga có lúc rơi xuống mức thấp chưa từng thấy với hơn 80 ruble đổi 1 USD và 100 ruble đổi 1 euro.
Đồng nội tệ của Nga - quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ - đã giảm giá mạnh do giá dầu mỏ trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục lao dốc. Tại sàn giao dịch London (Anh) cùng ngày, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2016 đã giảm 1,77%, xuống còn 28,25 USD/thùng.
Giá dầu giảm mạnh kéo dài và các biện pháp trừng phạt kinh tế là hai yếu tố tác động mạnh đến nền kinh tế Nga trong cả năm 2015 và đầu năm 2016 do thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn một nửa thu ngân sách Nga.
Giá dầu giảm khiến Chính phủ Nga phải cắt giảm chi tiêu công và thậm chí điều chỉnh lại dự báo kinh tế vĩ mô cho năm 2016. Hiện ngân sách 2016 của Nga lấy giá dầu là 50 USD/thùng, tới đây có thể sẽ điều chỉnh còn 40 USD.
Ngân hàng Trung ương Nga vẫn duy trì một kịch bản tiêu cực khi giá dầu còn 35 USD/thùng, thậm chí thấp hơn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 19/1 đã cảnh báo sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, trong khi đồng USD lại mạnh lên, giá dầu mỏ lên tục chạm đáy và sự bất ổn chính trị có thể sẽ tác động mạnh hơn nữa đối với các nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như Nga./.