Ngân sách của Nga sẽ thiếu hụt 38,6 tỷ USD trong năm 2016

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay tình trạng tụt dốc của giá dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách của Nga thiếu hụt 3.000 tỷ ruble (38,6 tỷ USD) trong năm nay.
Ngân sách của Nga sẽ thiếu hụt 38,6 tỷ USD trong năm 2016 ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. (Nguồn: Reuters)

Trả lời phỏng vấn truyền hình cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay tình trạng tụt dốc của giá dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách của Nga thiếu hụt 3.000 tỷ ruble (38,6 tỷ USD) trong năm nay.

Bản dự toán ngân sách 2016 của Nga được tính toán dựa trên mức giá dầu Ural là 50 USD/thùng. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt này của Nga đã rơi xuống 27 USD/thùng hôm 16/1.

Theo ông Siluanov, Nga có thể phải sử dụng một phần của Quỹ Tiền tài Quốc gia (NWF) để bù đắp cho ngân sách thâm hụt trong năm 2016, nếu không thực thi các biện pháp điều chỉnh ngân sách tương ứng với mức giá dầu mới.

Kinh tế Nga liên tục bị “tác động” bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu trên thị trường thế giới kể từ giữa năm 2014, trong bối cảnh nguồn thu từ bán dầu khí chiếm gần một nửa nguồn thu ngân sách nước này.

Giá dầu giảm cũng gây sức ép đối với đồng ruble vốn đã giảm hơn 50% so với đồng USD, kể từ khi giá dầu mỏ bắt đầu xuống dốc.

Tuy nhiên, ông Siluanov nhận định tỷ giá đồng ruble đã vượt qua tình trạng tồi tệ nhất, trong bối cảnh giá dầu đã giảm gần 4 lần và khó có thể giảm thêm 4 lần nữa so với mức hiện nay.

NWF và Quỹ Dự trữ là hai quỹ quốc gia sử dụng trong thời gian kinh tế Nga gặp khó khăn. Hiện một phần của NWF đã được đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.