Thủ tướng Medvedev: Kinh tế Nga khó khăn nhất trong 1 thập kỷ qua

Thủ tướng Nga Medvedev cảnh báo nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nga cần điều chỉnh ngân sách và chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Thủ tướng Medvedev: Kinh tế Nga khó khăn nhất trong 1 thập kỷ qua ảnh 1Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/1, tại Học viện Hành chính trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA) đã khai mạc Diễn đàn Quốc tế Gaidar thường niên lần thứ 7 với chủ đề "Nga và thế giới: Hướng tới tương lai" với sự tham gia của khoảng 5.000 đại biểu từ Nga, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác.

Trong chương trình nghị sự của diễn đàn, các chuyên gia hàng đầu của Nga và thế giới thảo luận vị thế của Nga trên thế giới, vai trò chiến lược và triển vọng phát triển kinh tế Nga trên toàn cầu. Ngày khai mạc, diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alesei Ulyukayev và Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, cựu Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin, cùng nhiều quan chức Chính phủ Nga.

Phát biểu tại phiên toàn thể ngày 13/1, Thủ tướng Medvedev cho rằng biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã làm xói mòn uy tín của các định chế quốc tế, kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và các điều kiện kinh tế hiện bị chính sách và chiến lược địa - chính trị thao túng, cụ thể là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sửa các điều kiện cho Ukraine vay.

Nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận những thách thức đối với kinh tế Nga là nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua song nền kinh tế vẫn có thể kiểm soát được.

Theo Thủ tướng Medvedev, Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài ở mức độ nào đó, trong đó phần nào nhờ kế hoạch chống khủng hoảng. Ông cảnh báo nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nga cần điều chỉnh ngân sách và chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.

Ông cho rằng tình trạng giảm mức sống của người dân là hậu quả "đau đớn" nhất từ khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, ông Medvedev cho biết kinh tế Nga đã cho thấy sự vững chắc trong cơ chế thị trường, ngay cả khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông cho rằng trong năm 2016 này, kinh tế Nga sẽ được củng cố nhờ nợ nước ngoài ở mức thấp, dự trữ ngoại hối lớn, và ngành ngân hàng Nga vẫn hoạt động ổn định.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Siluanov cho biết Nga đã bắt đầu giảm 10% chi tiêu ngân sách. Theo ông, nếu không như vậy, Nga sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng năm 1998.

Diễn đàn Gaidar lần thứ 7 năm nay diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh khiến ngân sách Nga thâm hụt nặng, trong khi Nga cần cân bằng kinh tế vĩ mô, nghĩa là không cho phép thâm hụt ngân sách vượt quá mức 3%. Mặt khác, nước Nga cũng phải đưa ra những biện pháp kích thích để kinh tế phục hồi trở lại trong khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây nên không thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Diễn đàn Gaidar mang tên cựu Thủ tướng Egor Gaidar. Ông là nhà kinh tế, nhà cải cách nổi tiếng của Nga trong thập niên 1990, do đó diễn đàn mang tên ông cũng chủ yếu thảo luận các vấn đề về kinh tế.

Diễn đàn Gaidar lần thứ 7 sẽ kéo dài tới hết ngày 15/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.