Nga thay đổi cách tiếp cận chiến lược đối với khu vực Trung Á

Nga dự định tăng cường hợp tác với năm nước cộng hòa Trung Á, đồng thời điều chỉnh cách tiếp cận đối với khu vực này.
Quang cảnh cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Nga và năm nước Trung Á theo định dạng CA+1 được tổ chức hôm 15/10 vừa qua. (Nguồn: asianews.it)

Nga dự định tăng cường hợp tác với năm nước cộng hòa Trung Á, đồng thời điều chỉnh cách tiếp cận đối với khu vực này.

Giới quan sát nêu ra nhận định này sau tuyên bố chung về phương hướng hợp tác chiến lược được công bố sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Nga và năm nước Trung Á theo định dạng CA+1 được tổ chức hôm 15/10 vừa qua.

Moskva sẽ không chỉ phát triển quan hệ song phương với từng quốc gia mà còn cả khu vực Trung Á nói chung.

Trước đó, cách tiếp cận này đã được Mỹ tuyên bố. Nhưng sau khi nghiên cứu chiến lược của Nga, Kommersant đã đi đến kết luận rằng chiến lược này sẽ có cách tiếp cận gần gũi với các nước trong khu vực hơn nhiều so với chiến lược của Mỹ.

Tuyên bố chiến lược chung

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga và năm nước cộng hòa Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) đã diễn ra ngày 16/10 thông qua hình thức truyền hình trực tuyến.

Định dạng CA+1 được xem là mới đối với Nga. Trước đó, những người đứng đầu các cơ quan đối ngoại các quốc gia kể trên chỉ có hai lần giao tiếp theo định dạng này. Nhưng sau tuyên bố chung của sáu bộ trưởng được công bố, kể từ bây giờ việc liên lạc trong một cơ chế như vậy sẽ trở nên thường xuyên hơn.

Đối với Nga, điều này có nghĩa là một sự tiến hóa nhất định trong cách tiếp cận của nước này đối với khu vực Trung Á. Trước đây, Moskva đã phát triển quan hệ song phương với năm quốc gia hoặc làm việc với họ với tư cách là thành viên của các hiệp hội hội nhập mà Nga đóng vai trò chính trong không gian hậu Xô Viết như Tổ chức an ninh tập thể (CSTO), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG/CIS).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nước cộng hòa Trung Á đã nỗ lực vượt qua vô số mâu thuẫn ngăn cách họ và thường hoạt động như một khối duy nhất.

[Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Á do tình hình bất ổn]

Theo định dạng này, họ giao tiếp không chỉ với Nga mà còn với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, những nước đang điều chỉnh chính sách của họ đối với quá trình hội nhập tại khu vực này. Người Mỹ đã hình thành cách tiếp cận rõ ràng nhất đối với Trung Á như một khu vực hợp nhất trong một chiến lược hợp tác đặc biệt với Nhóm năm quốc gia Trung Á giai đoạn 2020-2025.

Tuyên bố của sáu bộ trưởng được đưa ra hồi tuần trước "Về các định hướng hợp tác chiến lược" có thể được coi là một văn kiện mang tính cương lĩnh, củng cố cách tiếp cận mới của Nga đối với khu vực. Đây là một dạng chiến lược mới trong chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Á.

Theo nguồn tin của Kommersant, nội dung văn kiện được chuẩn bị ở Moskva, nhưng sau đó nó đã được đại diện của năm quốc gia thống nhất và thậm chí chỉnh sửa.

Theo quan điểm của Moskva, kết quả của quá trình này là một tầm nhìn chung về sự phát triển hợp tác và Nga được "nhóm năm nước" coi không phải là "+1" mà trên thực tế là thành viên thứ sáu trong hiệp hội của họ.

Kết quả là một văn kiện đã ra đời không chỉ đáp ứng lợi ích của tất cả những người tham gia, đồng thời làm nổi bật đường lối của Moskva so với chiến lược của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu đối với khu vực.

Mặt khác, có nhiều hướng đi khác mà Nga và năm nước mong muốn hợp tác tích cực hơn. Trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao, các nước có ý định phát biểu thường xuyên hơn từ một lập trường thống nhất, mà theo đó, họ có kế hoạch tăng cường quá trình tham vấn. Trên thực tế, điều này có thể dẫn đến nhiều sáng kiến và tuyên bố chung hơn, chẳng hạn ở cấp Liên hợp quốc.

Trong lĩnh vực an ninh, các nước cam kết sẽ không thực hiện các bước đi có thể đe dọa lợi ích của các đối tác trong khuôn khổ định dạng hợp tác này và làm phát sinh đối đầu. Về vấn đề này, Nga kỳ vọng các quốc gia trong khu vực sẽ không cung cấp lãnh thổ, vùng biển và không gian của họ cho nhu cầu quân sự của các cường quốc ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ.

Như Kommersant đã đưa tin Mỹ đang thảo luận với các quốc gia Trung Á, bao gồm Kazakhstan và Uzbekistan, về khả năng thực hiện các chuyến bay quá cảnh qua không phận của họ bằng máy bay chiến đấu, trinh sát và quân sự khác của Mỹ đến và đi từ Afghanistan.

Moskva tin rằng với sự trợ giúp của các dự án và thỏa thuận như vậy, người Mỹ muốn có được chỗ đứng trong khu vực để có thể sử dụng nó để kiềm chế Nga và Trung Quốc.

Cờ Nga và Afghanistan. (Nguồn: tolonews.com)

Để ngăn chặn các mối đe dọa xuất phát từ Afghanistan, Nga đề nghị các nước trong Nhóm năm quốc gia Trung Á hỗ trợ tích cực hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, buôn lậu ma túy và buôn lậu vũ khí. Ngoài ra, chiến lược nói về các kế hoạch tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa không gian mạng.

Văn kiện đề cập nhiều đến quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải. Năm 2019, tổng khối lượng thương mại của "sáu nước" đã vượt quá 30 tỷ USD.

Năm 2020, các chỉ số có khả năng giảm đáng kể, các hạn chế và rào cản do virus SARS-CoV-2 áp đặt đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước trong khu vực và quan hệ giữa chúng.

Tuy nhiên, chiến lược nói rằng các bên sẽ cố gắng tăng cường chuỗi hợp tác công nghiệp và nông nghiệp trong khu vực, thanh toán thường xuyên hơn bằng đồng tiền quốc gia, đầu tư vào phát triển mạng lưới đường sắt và đường cao tốc, cũng như xây dựng các khu liên hợp vận tải và hậu cần ("cảng cạn"), đơn giản hóa thủ tục thủ tục và tạo liên doanh.

Điểm cuối cùng đặc biệt quan trọng để bỏ qua các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, chẳng hạn đối với Iran.

Trong tương lai, Nga muốn bằng hình thức này hay hình thức khác tác động và liên kết toàn bộ Nhóm năm quốc gia Trung Á này hợp tác với EAEU. Kazakhstan và Kyrgyzstan đã là thành viên chính thức của EAEU.

Các nguồn tin của Kommersant trong các cơ quan nhà nước của Liên bang Nga bày tỏ hy vọng rằng sớm hay muộn các nước khác trong khu vực cũng sẽ thể hiện sự quan tâm đến hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. Nhưng chiến lược chung không nói trực tiếp điều này.

Như Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nói, Nga vẫn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Trung Á: Tài sản tích lũy (không bao gồm các khoản đầu tư vốn từ khu vực pháp lý của các nước thứ ba) lên tới khoảng 20 tỷ USD với hơn 17.000 doanh nghiệp có vốn Nga hoạt động trong khu vực.

Sự hỗ trợ của Nga cho một số quốc gia Trung Á trong giai đoạn 2008-2019 đã vượt 6 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2019, 160.000 công dân của các quốc gia trong khu vực đã theo học tại các trường đại học của Nga, trong đó 59.000 người được tài trợ từ ngân sách của Liên bang Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước Trung Á và Nga có những kế hoạch lớn trong lĩnh vực năng lượng. Họ dự định thực hiện các bước chung trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu tính đến những mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực về vấn đề nước và năng lượng, cả hai rõ ràng sẽ không có vấn đề gì.

Ngoài ra, một phần lớn của chiến lược được dành cho công việc chung để đảm bảo phúc lợi y tế. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Nga đã cung cấp hỗ trợ cho tất cả các quốc gia trong Nhóm năm quốc gia Trung Á, gồm các hệ thống xét nghiệm, thuốc thử, vật tư y tế, đội ngũ bác sỹ. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành với cả năm bên về việc cung cấp vắcxin của Nga.

Đồng thời, Uzbekistan và Turkmenistan đã gửi hàng nhân đạo, chủ yếu là khẩu trang y tế, tới Nga. Kể từ nay, các nước trong khu vực và Nga có ý định tích cực triển khai các dự án chung và trao đổi kết quả hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực phòng thí nghiệm và đào tạo bác sĩ chuyên khoa.

Đối với Nga, điều này cũng rất quan trọng theo quan điểm địa chính trị, vì nó chỉ ra cho các quốc gia hậu Xô Viết, bao gồm các quốc gia Trung Á, thấy rằng sự hiện diện của các cơ sở y tế quân sự Mỹ, chủ yếu là các phòng thí nghiệm sinh học, trên lãnh thổ của họ.

Theo các nguồn tin của Kommersant trong các cơ cấu nhà nước của Liên bang Nga, người Mỹ đã bao vây Nga bằng một mạng lưới các phòng thí nghiệm như vậy để nghiên cứu tác động của một số loại vũ khí sinh học đối với người dân địa phương.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ cũng như các nước trong khu vực khẳng định rằng sự hợp tác của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình. Dù vậy, việc ngăn chặn sáng kiến chống lại các mối đe dọa về dịch tễ và sinh học sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ Nga, và vẫn chưa rõ liệu nước này có sẵn sàng đền bù cho năm quốc gia về những thiệt hại do từ chối tiếp tục hợp tác với Mỹ hay không.

Rõ ràng là một chiến lược vừa được tuyên bố chỉ là một văn kiện, còn triển khai trên thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, theo thông tin của Kommersant, cuộc họp của các bộ trưởng theo định dạng CA+1 gần như phải hoãn lại do cuộc đảo chính chính trị tiếp theo ở Kyrgyzstan.

Thắt chặt hợp tác quốc phòng với đồng minh quan trọng nhất

Ngày 16/10, cùng ngày diễn ra cuộc hội đàm của các ngoại trưởng Nga-Trung Á, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thực hiện chuyến công du Kazakhstan và có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước chủ nhà Nurlan Yermekbayev. Sau hội đàm, thừa ủy quyền của lãnh đạo hai nước, hai bộ trưởng đã ký một thỏa thuận giữa hai quốc gia về hợp tác quân sự-quốc phòng song phương (Nghị định hợp tác quốc phòng song phương).

Sự kiện này cho thấy Moskva mong muốn có những ràng buộc chặt chẽ bằng các thỏa thuận có tính pháp lý cao với đồng minh quan trọng nhất của mình ở khu vực Trung Á, trong bối cảnh Kazakhstan tăng cường mở rộng mối quan hệ với các cường quốc Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Kasym Tokaev lên nắm quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. (Nguồn: Getty Images)

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga, thỏa thuận này hoàn toàn đáp ứng mức độ hội nhập của hai nước trong lĩnh vực an ninh. Ông nói trong cuộc đàm phán với người đồng cấp Kazakhstan: "Kazakhstan là một trong số ít, gần như là quốc gia duy nhất mà chúng tôi có hợp tác quân sự rộng rãi và một thỏa thuận sâu rộng và toàn diện như vậy.

Cộng hòa Kazakhstan là đồng minh chiến lược chính và là đối tác thân cận nhất của Nga. Bất chấp đại dịch, hợp tác quân sự giữa các nước chúng ta đang phát triển ổn định. Được tổ chức phù hợp với Chương trình trung hạn quan hệ Đối tác chiến lược song phương trong lĩnh vực quân sự giai đoạn 2019-2021."

Ngoài ra, các Bộ trưởng Sergei Shoigu và Nurlan Yermekbayev đã ký một kế hoạch hợp tác giữa các hai cơ quan quốc phòng của hai nước trong năm 2021, trong đó nêu rõ thủ tục tương tác hơn nữa giữa các quốc gia dọc theo chiến tuyến quân sự, xác định các hoạt động huấn luyện tác chiến và chiến đấu chung, bao gồm trong khuôn khổ các định dạng đa phương của Tổ chức an ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng như các phương thức phát triển Hệ thống phòng không thống nhất giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga lưu ý rằng hoạt động của các bãi thử của cơ quan quân sự Nga đã được thiết lập ở Kazakhstan, các vấn đề về quá cảnh hàng hóa quân sự của Nga qua lãnh thổ nước cộng hòa này đang được giải quyết theo hướng đơn giản hóa.

Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết, khối lượng xuất khẩu các sản phẩm quân sự của Nga sang Kazakhstan không ngừng tăng lên. Mặc dù hai bộ trưởng không nêu chi tiết về thỏa thuận vừa ký, song một số trang mạng ở Kazakhstan đã trích dẫn một số nội dung chính của thỏa thuận này.

Theo đó, thỏa thuận được thực hiện để thay thế thỏa thuận giữa Cộng hòa Kazakhstan và Liên bang Nga về hợp tác quân sự ngày 28/3/1994, đồng thời cập nhật và phát triển hợp tác mới giữa hai nước về các vấn đề quốc phòng.

Nội dung văn kiện dựa trên các quy định của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ giữa Cộng hòa Kazakhstan và Liên bang Nga ký ngày 25/5/1992 và Hiệp ước giữa Cộng hòa Kazakhstan và Liên bang Nga về Liên minh và láng giềng tốt trong thế kỷ XXI ngày 11/11/2013.

Các nguyên tắc chính được nêu ra trong văn kiện đó là các nguyên tắc liên minh và đối tác chiến lược, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, bất khả xâm phạm về biên giới, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Ngoài ra, các bên cùng nhau lập kế hoạch hành động và hỗ trợ lẫn nhau trong việc ngăn ngừa và giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến hậu quả của các hoạt động tại các cơ sở quân sự.

Trong trường hợp xảy ra tình huống đe dọa đến an ninh, độc lập hoặc toàn vẹn lãnh thổ của một trong các bên, các quốc gia sẽ ngay lập tức tham khảo và thực hiện các hành động cụ thể để cung cấp cho nhau sự hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả quân sự, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các quy định của Hiệp ước An ninh Tập thể ngày 15/5/1992 của năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục