Nga thông báo cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với 77 công dân Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/2 cho biết nước này đã cấm nhập cảnh với 77 công dân Mỹ "để đáp trả việc Washington tiếp tục mở rộng danh sách các công dân Nga chịu các biện pháp trừng phạt cá nhân."
Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/2, Nga thông báo cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với hàng chục công dân Mỹ do liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

"Để đáp trả việc Washington tiếp tục mở rộng danh sách các công dân Nga chịu các biện pháp trừng phạt cá nhân, việc nhập cảnh vào Liên bang Nga sẽ bị cấm vĩnh viễn đối với 77 công dân Mỹ” - Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

“Dựa trên nguyên tắc có đi có lại,” danh sách trừng phạt lần này của Nga bao gồm các quan chức cấp bang của Mỹ, một số cơ quan liên bang, các công ty liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Danh sách cũng bao gồm thành viên gia đình một số chính trị gia và quan chức Mỹ có liên quan đến việc hoạch định và triển khai các chính sách nhằm vào Nga, trong đó có thống đốc các bang của Mỹ như ông Jay Inslee của bang Washington, bà Michelle Lujan-Grisham của bang New Mexico, bà Laura Kelly của bang Kansas, ông Andy Beshear của bang Kentucky, ông Michael Dunleavy của bang Alaska.

Con gái của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Kentucky Mitchell McConnell - bà Eleanor McConnell, và phu nhân của Thống đốc bang California Gavin Newsom - bà Jennifer Siebel Newsom cũng nằm trong danh sách.

Trước đó, hôm 26/1, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các thực thể và cá nhân Nga.

Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương Liên bang Nga Denis Manturov, người đứng đầu Cơ quan Thi hành án Liên bang Nga Arkady Gostev, người đứng đầu Tổng Công ty Kalashnikov.

Alan Lushnikov, người đứng đầu Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga Rustam Minnikhanov và vợ, cũng như doanh nhân Sergei Adonyev và hai con trai của ông, cũng được “xếp” trong danh sách của Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đưa Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner vào danh sách các tổ chức tội phạm quốc tế và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 12 pháp nhân và sáu cá nhân với cáo buộc có liên quan đến các hoạt động của Wagner.

Trong số đó có các công ty đã đăng ký tại Trung Quốc, Cộng hòa Trung Phi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

[Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 18 cá nhân và thực thể Nga]

Trong một diễn biến liên quan, hôm 31/1, Cục trưởng Cục Hàng không Liên bang Nga (Rosaviasia) Alexander Neradko đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây, bao gồm lệnh cấm cung cấp máy bay và linh kiện cho Moskva, đồng thời đóng cửa thị trường châu Âu đối với các hãng hàng không của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đăng ký máy bay nước ngoài ở Nga và Thủ tướng nước này, ông Mikhail Mishustin, đã ký sắc lệnh cho phép máy bay được bảo dưỡng bằng phụ tùng thay thế không chính hãng - để giảm thiểu hậu quả từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Năm ngoái, Chính phủ Nga đã phân bổ hơn 172 tỷ ruble (hơn 2,45 tỷ USD) để hỗ trợ ngành hàng không dân dụng. Cục trưởng Alexander Neradko cho hay Nga sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan hàng không của các quốc gia thân thiện và những tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Nga cũng sẽ duy trì “liên hệ không chính thức” với những đối tác từ các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt nước này. Người đứng đầu Rosaviasia khẳng định: “53 hãng hàng không của 26 quốc gia đã không dừng bay và số lượng các chuyến bay (tới Nga) đang tăng lên.”

Không lâu sau khi bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái, hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đã đẩy ngành hàng không Nga vào thế cô lập.

Khi các lệnh trừng phạt có tác dụng, bên cạnh việc cấm bay vào không phận Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, Nga không còn có được dịch vụ bảo dưỡng máy bay định kỳ, cũng như ngưng được cung cấp các phụ tùng thay thế cho đội bay của quốc gia này - vốn phụ thuộc nhiều vào phương Tây khi lượng máy bay nước ngoài, cụ thể từ Airbus và Boeing, chiếm đến 95%.

Ngành hàng không Nga đặt mục tiêu nội địa hóa, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây. Nga kỳ vọng sẽ sản xuất được 1.000 máy bay vào năm 2030, không cần phụ tùng và bảo dưỡng từ hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới - Boeing và Airbus./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục