Hãng Interfax dẫn phát biểu trên truyền hình của Phó Thủ tướng Nga Prime Minister Alexander cho biết nước này sẽ không xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới nếu mức giá trần thấp hơn chi phí sản xuất.
Nga hiện là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia.
Tuyên bố trên của Phó Thủ tướng Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước đang cân nhắc áp mức giá trần lên dầu nhập khẩu từ Nga nhằm gia tăng sức ép đối với Moskva liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trước đó, Bloomberg đưa tin mức giá trần mà Mỹ và các nước đồng minh đang thảo luận đối với dầu mỏ Nga là khoảng 40-60 USD/thùng, mức giá vừa làm giảm doanh thu của Nga từ dầu, vừa hạn chế tối đa tác động lên nền kinh tế các nước này.
[Trung Quốc: Việc đặt mức giá trần với dầu mỏ của Nga vô cùng khó khăn]
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Đức cuối tháng trước, lãnh đạo các nền kinh tế phát triển đã thống nhất nghiên cứu các phương án để áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cùng các sản phẩm xăng dầu của Nga, trừ trường hợp giá bán dưới mức trần.
Mức trần cụ thể sẽ tùy thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm được thống nhất mà thị trường có thể còn thay đổi nhiều.
Chốt phiên ngày 20/7 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 đã giảm 1,96 USD, còn 102,26 USD/thùng. Giá dầu Brent tại London giảm nhẹ 43 cent, còn 106,92 USD/thùng.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo giá dầu thế giới sẽ tăng vọt nếu quy định về mức giá trần đối với dầu của Nga được áp dụng.
Hiện Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi và Trung Đông đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga trong bối cảnh giá dầu của nước này đang giảm sâu so với giá dầu thế giới vì nhiều nhà máy lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu của Nga./.