Nga và Trung Quốc liệu có đang ''qua mặt'' nước Mỹ?

Giới chức an ninh quốc gia Mỹ đã tỏ ra thù địch với Trung Quốc và Nga, cho rằng hai nước này đang cạnh tranh để chiếm vị thế vượt trội về công nghệ và quân sự của Mỹ.
Nga và Trung Quốc liệu có đang ''qua mặt'' nước Mỹ? ảnh 1(Nguồn: AFP)

Trang mạng washingtonpost.com mới đây đăng bài viết cho rằng Nga và Trung Quốc đang "qua mặt" Mỹ.

Nội dung bài viết như sau:

Trong bối cảnh chính trường Mỹ bị phân cực hơn bao giờ hết trong lịch sử hiện đại, dường như khả năng hai đảng ở Mỹ (đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ) đồng thuận về chính sách đối ngoại là con số 0.

Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là cả hai đảng này giống nhau ở chỗ họ cùng theo đuổi ý tưởng "cạnh tranh nước lớn," trong đó Trung Quốc và Nga là hai đối tượng chính mà họ nhắm tới khi nhìn ra thế giới.

Đây chính xác là những gì đã diễn ra trong suốt 18 tháng qua ở Mỹ.

Có rất nhiều cái để nói về sự thay đổi này. Trước hết, cần phải thừa nhận một thực tế là rất nhiều người đã nhận ra - dù muộn màng - rằng Bắc Kinh và Moskva không phải là những đối tác có trách nhiệm trong một trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo như Washington lâu nay vẫn kỳ vọng.

Ngược lại, họ còn xâm phạm và đi ngược lại các lợi ích cũng như giá trị của Mỹ và các đồng minh. Hiện giờ, giới chức an ninh quốc gia Mỹ đã tỏ ra thù địch với Trung Quốc và Nga, cho rằng hai nước này đang cạnh tranh để chiếm vị thế vượt trội về công nghệ và quân sự của Mỹ.

[Nga cho rằng Tổng thống Mỹ đang có cơ hội nối lại quan hệ hai nước]

Liệu Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo? Cần phải làm gì để ngăn Trung Quốc chiếm lĩnh mạng 5G, ngăn Nga tung tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội và giữ vững lợi thế của Mỹ? Đây là những câu hỏi quan trọng cần tìm lời giải đáp.

Tuy nhiên, với việc coi cạnh tranh địa chiến lược chính là những cuộc chạy đua vũ trang, cuộc tranh cãi hiện nay về cơ bản đã bóp méo bản chất của những cuộc ganh đua này - và làm giảm khả năng thành công của Mỹ. Chẳng hạn, trong vấn đề Syria, kể từ năm 2011, Mỹ xung đột với Nga, và kết quả cuối cùng rõ ràng không có lợi cho Washington.

Ở một mức độ nào đó, hỏa lực mà Mỹ triển khai trong và xung quanh Syria - xét về mặt kỹ thuật - vượt trội so với của Nga. Thế nhưng, Điện Kremlin vẫn thành công trong việc giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad bám trụ quyền lực, bất chấp yêu cầu của Mỹ rằng nhân vật này phải bị phế truất. Đồng thời, Nga cũng nhân cuộc xung đột này nâng cao hình ảnh, uy tín cũng như ảnh hưởng của mình trong toàn khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được những thành tựu nói trên không phải vì ông đã triển khai những loại vũ khí tốt hơn (so với của Mỹ) ở Trung Đông, mà bởi ông đã thể hiện được tài năng chính trị xuất sắc hơn ở khu vực này, đồng thời áp dụng chính sách ngoại giao khôn ngoan thông qua một loạt động thái quân sự hạn chế nhưng bất ngờ, liên tục làm cho Mỹ bối rối và ngăn Washington đối đầu.

Không thể phủ nhận rằng việc Mỹ đầu tư vào khả năng quân sự thế hệ tiếp theo là điều cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc có những vũ khí tối tân, cần phải có cả những chiến lược khôn ngoan.

Việc Washington quá tin tưởng vào ảnh hưởng của công nghệ đã làm trầm trọng thêm cái vốn được coi là mối đe dọa lớn nhất bắt nguồn từ những căng thẳng ngày càng nghiêm trọng hơn với Nga và Trung Quốc: một sự leo thang không chủ ý dẫn đến chiến tranh.

Mặc dù Mỹ, Trung Quốc và Nga hiện ráo riết chế tạo hoặc mua các vũ khí tối tân tương thích với những công nghệ mang tính đột phá, song không nước nào có thể giải thích một cách cặn kẽ xem một cuộc xung đột mà trong đó những loại vũ khí này được sử dụng ở quy mô lớn sẽ như thế nào.

Những bước lùi của Mỹ tại những "điểm nóng" như Syria sẽ là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, cho dù Bắc Kinh và Moskva thực sự vượt Mỹ trong một số lĩnh vực, phản ứng thích hợp của Mỹ không phải là lo lắng hay đầu hàng. Thay vào đó, Mỹ cần phải rút ra bài học mà các kẻ thù của Mỹ đã giác ngộ, đó là trong cuộc cạnh tranh kình địch giữa các nước lớn, thành công phụ thuộc vào bộ não nhiều hơn là vào sức mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.