Ngắm những chàng trai Dao Đỏ ở Tuyên Quang nhảy múa trên đống lửa

Những năm gần đây, nhiều địa phương ở Tuyên Quang đã đưa Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ vào khuôn khổ Lễ hội Lồng tông thường được tổ chức dịp đầu Năm mới.
Như được truyền sức mạnh siêu nhiên nào đó, những thanh niên người Dao Đỏ nhảy vào giữa đống lửa đang cháy rừng rực bằng đôi chân trần trong sự ngỡ ngàng của người xem. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Dao Đỏ ở Tuyên Quang, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên Lễ hội nhảy lửa dần bị mai một.

Để khôi phục lễ hội truyền thống ý nghĩa này, những năm gần đây, nhiều địa phương ở Tuyên Quang đã đưa Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ vào khuôn khổ Lễ hội Lồng tông thường được tổ chức dịp đầu Năm mới.

Lễ hội này được khôi phục đã góp phần tạo nên một ngày hội văn hóa đặc sắc, qua đó tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Theo quan niệm của người Dao Đỏ, lửa được coi như là một vị thần linh thiêng, lửa giúp mang lại cho đồng bào sự ấm áp.

Lễ hội nhảy lửa của người Dao Đỏ thường diễn ra vào dịp đầu năm với ý nghĩa cầu mong thần lửa mang hơi ấm của mình về sưởi ấm dân làng, cho dân làng một năm mới bình yên, “mưa thuận, gió hòa," muôn nhà khỏe mạnh.

[Độc đáo lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao ở tỉnh Điện Biên]

Ngoài ra, lễ hội nhảy lửa còn được tổ chức vào các lễ cấp sắc của thầy Tào, lễ trưởng thành cho những thanh niên người Dao Đỏ. Ngoài đồng bào Dao Đỏ thì người dân tộc Pà Thẻn cũng có lễ hội nhảy lửa, nhưng mỗi lễ hội nhảy lửa đều mang nét độc đáo, chứa đựng yếu tố huyền bí, tâm linh khác nhau, ông Bàn Tiến Hương - một thầy Tào ở huyện Na Hang cho biết.

Dịp Năm mới Kỷ Hợi 2019, Lễ hội nhảy lửa được tổ chức vào ngày mùng 7 Tết. Đây là năm thứ 2 xã Đà Vị, huyện Na Hang tổ chức Lễ hội nhảy lửa trong khuôn khổ Lễ hội Lồng tông.

Để chuẩn bị cho buổi lễ, một đống củi lớn với những cây gỗ đượm than đã được người dân xã Đà Vị chuẩn bị từ ngày hôm trước.

Chủ trì thực hiện nghi lễ là một thầy Tào có uy tín trong vùng. Sau khi chọn được ngày tốt, buổi lễ sẽ được tổ chức vào buổi tối khi màn đêm buông xuống.

Trên mâm cúng, người Dao Đỏ chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm như cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến...

Khi buổi lễ bắt đầu, thầy Tào sẽ thực hiện nghi thức cúng lễ, xin phép tổ tiên, thần linh cho dân làng được tổ chức lễ hội và mời các vị thần ban sức mạnh cho các chàng trai.

Cùng thời điểm này, một đống củi to đã chuẩn bị trước sẽ được đốt lên. Khi đống củi đã cháy rừng rực, thầy Tào sẽ xin quẻ âm dương, nếu được thần lửa đồng ý, các chàng trai người Dao Đỏ sẽ đến ngồi trước mặt thầy cúng để được thaafn linh tiếp thêm sức mạnh.

Khi tiếng que gõ trở nên liên tục và nhanh hơn cũng chính là lúc Lễ hội nhảy lửa thực sự bắt đầu. Các chàng trai nhảy vào giữa đống lửa đang cháy rừng rực bằng đôi chân trần. Hết người này đến người khác thay nhau nhảy trên đống than hồng, càng về khuya số người được thần linh tiếp thêm sức mạnh càng đông.

Như được truyền sức mạnh siêu nhiên nào đó, những thanh niên người Dao Đỏ nhảy vào giữa đống lửa đang cháy rừng rực bằng đôi chân trần trong sự ngỡ ngàng của người xem. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Dưới tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng reo hò cổ vũ của khán giả, những chàng trai người Dao Đỏ liên tục nhảy múa trên đống lửa, than hồng bay tứ tung như một màn pháo hoa nhìn vô cùng đẹp mắt.

Lễ hội kết thúc khi đống than hồng tắt lịm, chỉ còn lại những đôi chân trần đen nhẻm.

Anh Nguyễn Văn Quân, du khách đến từ Nam Định, cho biết đây là lần đầu tiên anh tận mắt được chứng kiến lễ hội rất đặc biệt này. Những chàng trai người Dao Đỏ nhảy múa trên đống than đỏ rực dù chân trần nhưng không hề bị bỏng, có những điều rất huyền bí, không thể lý giải được.

"Đến lễ hội, tôi mong muốn, đồng bào dân tộc Dao Đỏ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung sẽ luôn mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu," anh Nguyễn Văn Quân chia sẻ.

Theo quan niệm của người Dao Đỏ, thời gian nhảy trên lửa ngắn hay dài phụ thuộc vào sức mạnh của thần linh ban cho họ. Đối với các thiếu nữ người Dao Đỏ, lễ hội là dịp để họ lựa chọn cho mình người bạn đời có sức mạnh, lòng dũng cảm và sự trung thành.

Những người tham gia nhảy lửa khẳng định chính những thế lực siêu nhiên đã ban tặng cho họ lòng dũng cảm vô biên, sự tự tin và được che chở, bảo vệ… Vì vậy, khi nhảy trên đống than hồng họ không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi.

Ông Hà Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đà Vị, huyện Na Hang cho biết, đây là năm thứ 2 xã Đà Vị đưa Lễ hội nhảy lửa vào khuôn khổ Lễ hội Lồng tông được tổ chức đầu năm.

Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ đã thu hút được đông đảo người dân, du khách gần xa đến tham dự, qua đó góp phần tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em, động viên nông dân thi đua lao động sản xuất.

Lễ hội cũng góp phần phát huy được những nét văn hóa đặc sắc của người Dao Đỏ nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục