Triệt để lợi dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, tội phạm ma túy đang hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi.
Không chỉ manh động, sẵn sàng dùng vũ khí để chống trả lực lượng chức năng, chúng còn sử dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại để vận chuyển, điều chế các chất ma túy mới.
Không gian ảo trên Internet, mạng xã hội và các trang thương mại điện tử cũng bị loại tội phạm nguy hiểm này lợi dụng như một kênh thông tin hiện đại để liên lạc, mua bán, giao dịch ma túy.
Chưa bao giờ cuộc chiến với “cái chết trắng” của lực lượng chức năng lại phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới đường bộ, tuyến đường biển và đường hàng không như hiện nay.
Tội phạm ma túy thời công nghệ 4.0
Trong các chuyên án ma túy “khủng” của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 Bộ Công an), đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia do Trần Thị Mậu cùng với Nguyễn Sỹ Đức, 56 tuổi, cầm đầu là một trong những đường dây triệt để lợi dụng mạng xã hội để điều hành từ xa chứ ít khi chịu lộ diện.
Giúp sức cho "bà trùm" 53 tuổi là hàng chục người thuộc thành phần cộm cán, có nhiều tiền án, trú ở Nghệ An, Hà Nội.
Quá trình trinh sát xác định, Trần Thị Mậu thường xuyên "đốt tiền" vào cờ bạc. Mậu và Đức đặt mua ma túy của các ông chủ bên Lào. Sau khi thống nhất về giá cả, số lượng hàng, “bà trùm” thuê người gùi ma túy qua các cánh rừng già hẻo lánh để tập kết ở khu vực biên giới huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Mỗi lần chuyển hàng, nhóm này chia thành nhiều lớp để cảnh giới từ đường quốc lộ đến bìa rừng và khu biên giới, chọn giờ "vàng" để nhận hàng là 22-24 giờ.
Sau thời gian dài theo sát, rạng sáng 18/11/2021, C04 chủ trì phối hợp cùng các đơn vị phục kích bắt được 3 nghi phạm đang vận chuyển ma túy ở Quốc lộ 7, đoạn qua địa phận thị trấn Anh Sơn. Tang vật thu giữ là 58kg ma túy tổng hợp, 18 bánh heroin.
Cùng lúc, ban chuyên án đồng loạt khám xét 12 địa điểm ở Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh, thu thêm 2 bánh heroin, 6kg ma túy các loại. Hiện nay, cảnh sát đã khởi tố 9 bị can, thu 64kg ma túy tổng hợp, 20 bánh heroin...
[Tây Ninh: Triệt phá băng nhóm chuyên bán lẻ ma túy cho con nghiện]
Việc lợi dụng mạng xã hội để điều hành đường dây ma túy từ xa nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt của “bà trùm” Trần Thị Mậu đang là một trong những thủ đoạn mới và hết sức tinh vi của tội phạm ma túy hiện nay.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, việc giao dịch trên “không gian ảo” cũng như mua bán và gửi hàng qua mạng xã hội trở nên vô cùng thuận tiện, dễ dàng và phổ biến.
Trước những điều kiện thuận lợi của phương thức này, các “ông trùm, bà trùm” trong nước đã tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán qua mạng, đồng thời cấu kết với tội phạm ma túy quốc tế để phát triển đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia bằng cách lợi dụng các loại hình vận chuyển như chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế.
Theo các hình thức vận chuyển này, đối tượng thường áp dụng phương thức, thủ đoạn như sử dụng tên giả, địa chỉ giả, số điện thoại giả... khi làm thủ tục gửi, nhận hàng hóa.
Khi hàng về Việt Nam, đối tượng thường thuê hoặc nhờ người đi nhận hàng; hoặc ủy thác cho công ty chuyển phát nhanh thay mặt làm thủ tục hải quan, sau đó giao hàng về địa chỉ được chỉ định.
Những người được thuê, được nhờ nhận hàng không biết trong các kiện hàng có chứa ma túy, chỉ nghĩ đi… nhận quà biếu. Ngoài ra, các đối tượng có thể theo dõi trên mạng Internet hành trình vận chuyển của lô hàng (mỗi bưu kiện khi gửi được đại lý chuyển phát nhanh cấp 1 tài khoản để theo dõi).
Khi hàng hóa không thông quan đúng theo thời gian quy định, các đối tượng thường bỏ hàng, cắt liên lạc. Vì vậy, việc bắt giữ và xử lý đối tượng phạm tội rất khó khăn.
Không chỉ hoạt động buôn bán ma túy xuyên quốc gia, các nhóm, đối tượng buôn bán lẻ các chất ma túy trong nước cũng lập các trang, nhóm kín trên mạng xã hội.
Chúng đăng thông tin quảng cáo mua bán chất ma túy bằng tên các loại thuốc nhằm tránh sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử.
Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại
Trước những diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy, Việt Nam đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy, nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi “cái chết trắng” ra khỏi đời sống xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an nhân dân, chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) đã khám phá thành công 13.417 vụ, bắt 20.048 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 466kg heroin, 926kg cùng hơn 2,5 triệu viên ma túy tổng hợp, 137kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; triệt xóa 204 điểm, 20 tụ điểm phức tạp về ma túy; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma túy rất lớn.
Công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho gần 42.000 người, trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2021; toàn bộ các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng; đã tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho hay trong công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy, để làm giảm tội phạm thì một trong những giải pháp quan trọng và căn bản là tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm, tệ nạn ma túy theo các mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
C04 đã quán triệt, thực hiện theo đúng quan điểm, phương châm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là phải triệt phá được toàn bộ đường dây, ổ nhóm, bắt giữ bằng được số đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đồng thời phải triệt phá ngay các đường dây, tụ điểm khi mới hình thành, không được để xảy ra tình trạng “nuôi lớn rồi mới đánh”; chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa và phối hợp với nước bạn bắt giữ tội phạm ma túy ngay từ bên kia biên giới với mục tiêu đẩy ma túy xa biên giới nước ta và kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Trước mắt, với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trong phòng, chống ma túy, C04 chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành công an tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện khẳng định.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, C04 cũng đang tập trung phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung-Tây nguyên và Tây Nam; kế hoạch của Bộ Công an về tổng rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy giữa Việt Nam-Lào, Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia…
Bên cạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, C04 sẽ tiếp tục phối hợp với công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đấu tranh các chuyên án đã xác lập và mở rộng các chuyên án đã khám phá để triệt phá các đường dây tội phạm ma túy.
Trong cuộc chiến với “cái chết trắng,” lực lượng Hải quan cũng đang đẩy mạnh hiệp đồng với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam nằm gần khu vực "Tam giác vàng," một trong 3 khu vực trọng điểm về ma túy của thế giới nên tình hình tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới Việt Nam thời gian qua luôn diễn biến phức tạp.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành điều tra, xác minh, bắt giữ và xử lý nhiều vụ vận chuyển, mua bán trái phép ma túy.
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị thuộc ngành tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan; tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất trong địa bàn hoạt động hải quan.
Chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy trong toàn ngành tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường sử dụng và khai thác có hiệu quả chó nghiệp vụ và máy móc, thiết bị chuyên dùng phòng, chống ma túy; chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại địa điểm làm thủ tục hải quan để chủ động phát hiện, bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, tiền chất qua biên giới…/.