Ngân hàng Nhà nước: Điều chỉnh tỷ giá tăng phù hợp với thị trường

Ông Phạm Thanh Hà cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tăng là để tỷ giá diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước: Điều chỉnh tỷ giá tăng phù hợp với thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: LienVietPostBank)

Sáng nay (23/7), Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ tăng thêm 223 đồng/USD, lên 23.273 đồng/USD thay vì mức giá 23.050 đồng/USD được giữ nguyên ở 20 phiên trước đó. Ngay lập tức, hầu hết giá USD tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng vọt, mức tăng lên đến 130-180 đồng.

Chiều nay, trả lời về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tăng là để tỷ giá diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.

[Tỷ giá ngoại tệ "trôi về đâu" trong dòng xoáy chiến tranh thương mại]

- Ông có thể đánh giá tình hình thị trường ngoại tệ sau khi Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá bán can thiệp ở mức 23.050 đồng/USD từ ngày 3/7 không?

Ông Phạm Thanh Hà: Sau khi Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá bán can thiệp ở mức 23.050 đồng/USD, tỷ giá trên thị trường diễn biến tương đối ổn định, chủ yếu quanh mức 23.040-23.050 đồng/USD.

Ngân hàng Nhà nước đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, cùng với các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác đã giúp tỷ giá và thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

- Vậy tại sao ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước lại niêm yết tỷ giá bán ở mức 23.273 đồng/USD, tăng tới 223 đồng so với phiên trước?

Ông Phạm Thanh Hà: Việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp tại tỷ giá 23.050 đồng/USD đã giúp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại tệ như đã nêu trên. Trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng, việc can thiệp ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường, giúp khả năng cung ứng ngoại tệ cho khách hàng của tổ chức tín dụng tốt hơn.

Do đó, ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá bán ngoại tệ ở mức 23.273 đồng/USD để tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.

- Vậy ông có thể cho biết định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước là gì?

Ông Phạm Thanh Hà: Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu trên.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, phối hợp với các công cụ khác và sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.