Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) là cụm từ không còn mới trong khoảng 5 năm trở lại đây khi các ngân hàng "bắt tay" cùng công ty bảo hiểm để bán các sản phẩm bảo hiểm và thực hiện một số dịch vụ khác như thu phí bảo hiểm cho mạng lưới khách hàng của ngân hàng.
Đây được xem là mảng kinh doanh sinh lời lớn, ít rủi ro nên ngày càng được các ngân hàng đẩy mạnh nhằm gia tăng nguồn thu và đặc biệt là bù đắp cho mảng tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay.
“Con gà đẻ trứng vàng”
Chia sẻ tại buổi hội thảo về thị trường bảo hiểm gần đây, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết tỷ trọng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) chiếm gần 40% doanh thu bán mới, gấp đôi sau ba năm. Khoảng 6-7 năm trước, con số này chỉ dao động ở mức 6%-10%. Ba năm gần đây, hợp đồng phân phối độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm ngoại liên tục được ký kết.
Gần đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) cùng Prudential Việt Nam hợp tác độc quyền bancassurance trong 15 năm. Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI ước tính MSB sẽ nhận được khoản phí trả trước (Upfront fee) 80-90 triệu USD, tương đương 1.900-2.100 tỷ đồng, trong khi đó Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính con số này khoảng 3.500 tỷ đồng.
Là một trong những ngân hàng có thỏa thuận độc quyền hợp tác lớn với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD trị giá lên đến 400 triệu USD, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết trong quý 1/2021, doanh thu hoa hồng bảo hiểm của Vietcombank đã tăng lên 390 tỷ đồng, cao hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái.
Theo kế hoạch, ngoài 1.700 tỷ đồng phí trả trước, Vietcombank còn có kế hoạch thu về 1.110 tỷ đồng hoa hồng bảo hiểm trong năm 2021. Nếu đạt được kế hoạch đã cam kết, tổng số tiền mang về là 2.800 tỷ đồng trong năm nay từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền với FWD.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng hợp tác độc quyền với Sunlife trong vòng 15 năm. Khoản phí trả trước ngân hàng nhận được ước tính 8.500 tỷ đồng. Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết khoản phí này sẽ được ghi nhận trong 15 năm, để đảm bảo tính ổn định cho hoạt động suốt quá trình hợp tác với SunLife.
Trong khi đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cũng cho biết trong 4 tháng đầu năm, nguồn thu từ Bancassurance đạt hơn 400 tỷ đồng. Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền dài hạn 20 năm.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Sacombank, do hợp đồng đã ký với đối tác từ năm 2017 nên ngân hàng cũng đang xem xét lại để đẩy mạnh nguồn thu từ Bancassurance.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng cho hay trong thời gian qua, mảng Bancassurance đã đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân hàng. Mục tiêu đưa ra của HDBank trong năm nay là nguồn thu về phí dịch vụ Bancassurance sẽ đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận 7.281 tỷ đồng của ngân hàng dự kiến cho cả năm 2021.
Kết thúc quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế HDBank đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 68% so với quý I/2020; trong đó thu nhập dịch vụ tăng trưởng trên 98%, là quý thứ 3 liên tiếp thu dịch vụ tăng mạnh.
Một số ngân hàng khác cũng có mức thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt cao như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt hơn 2.575 tỷ đồng trong năm 2020. Trong khi đó, đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ khi đóng góp hơn 50% nguồn thu, thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2019, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục trong 4 năm qua.
Điển hình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã thu về gần 5.850 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong năm 2020, tăng trưởng 39% so với năm 2019. Theo đó, khoản thu này chiếm tới hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MB.
Tiềm năng lớn nhưng cần cẩn trọng
Trong báo cáo về ngành ngân hàng gần đây nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo phí bancassurance sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng thu nhập dịch vụ của các ngân hàng nhờ xu hướng gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm.
Xu hướng chuyển dịch sang phân phối qua kênh bancassurance đang trở nên rõ ràng hơn trong mảng nhân thọ khi tỷ trọng đóng góp của kênh này trong tổng doanh thu phí bảo hiểm năm tăng nhanh, từ 5,9% năm 2019 lên 16,4% năm 2020.
Nguồn thu từ bảo hiểm cũng bù đắp cho tăng trưởng tín dụng bị chậm lại do dịch COVID-19.
Cũng vì nguồn lợi lớn, cạnh tranh bán bảo hiểm tại các ngân hàng ngày càng sôi động. Nhân viên ngân hàng đua nhau mời chào khách hàng mua bảo hiểm khi đến giao dịch. Thậm chí, trong một lần làm hồ sơ thủ tục vay vốn ngân hàng, chị Thanh Nga (quận Hai Bà Trưng-Hà Nội) dự định bồi dưỡng cho nhân viên làm hồ sơ nhưng nhân viên này từ chối và nói: “Chị giúp em thì mua thêm hợp đồng bảo hiểm là được ạ.”
Theo tìm hiểu, các nhân viên ngân hàng mang về hợp đồng bảo hiểm được phần hoa hồng cũng như được đánh giá năng suất làm việc hiệu quả hơn, do đó dễ dẫn đến trường hợp "chèo kéo," "ép buộc" người vay mua bảo hiểm.
Mặc dù, chủ trương khuyến khích các ngân hàng tăng thu từ phí dịch vụ, trong đó có phí bảo hiểm ngân hàng bán chéo, nhưng Ngân hàng Nhà khuyến cáo các ngân hàng không được phép tăng doanh số phí bảo hiểm bằng mọi giá.
“Các ngân hàng phải chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cho khách hàng có nhu cầu và giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền cũng như lợi ích, các điều kiện, điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm…” nội dung văn bản nêu rõ.
Trước tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng, phối hợp với ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có…
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng. Động thái này nhằm giúp kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn mà không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm./.