Ngành công nghiệp thời trang: Không phải sân chơi đầy "hoa bướm"

Dòng sản phẩm thời trang cao cấp haute couture là biểu trưng cao quý nhất, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân gây lỗ nhiều nhất của bất kỳ thương hiệu xa xỉ nào.

Từng được tung hô là một trong những cái đầu vĩ đại và sáng tạo nhất của ngành thời trang, vậy mà nhà thiết kế người Pháp Christian Lacroix vẫn phải bùi ngùi đóng cửa thương hiệu của mình chỉ bởi các thiết kế của ông không thể bán được.

Dòng sản phẩm thời trang cao cấp haute couture là biểu trưng cao quý nhất, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân gây lỗ nhiều nhất của bất kỳ thương hiệu xa xỉ nào.

Nhà thiết kế Christian Lacroix và người mẫu trong show diễn Haute Couture cuối năm 2009.

Cân bằng giữa sáng tạo và thương mại luôn là bài toán nan giải, ngay cả với những nhà thiết kế hàng đầu và đầy thâm niên.

Vì thế, cần làm gì để những học viện thời trang có thể chuẩn bị cho các sinh viên non trẻ của mình khả năng đáp ứng được cả nhu cầu thương mại lẫn sáng tạo ngày một gắt gao của thị trường ngày nay?

Thực tế, nhiều nhân vật cộm cán của làng thời trang vẫn cho rằng tập trung bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo là cách tốt nhất để trở thành một nhà thiết kế vĩ đại.

Quả thật, bạn chẳng thể dạy ai đó về kinh tế vi mô, và rồi bỗng dưng họ trở thành một nhà thiết kế tài hoa và thành công chỉ nhờ cái nền tảng kinh tế mơ hồ ấy.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà học viện Central Saint Martins, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho những nhà mốt tên tuổi như Dior hay Balenciaga, trong nhiều năm liên tiếp luôn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên thời trang: mọi người ở đây đều hiểu và trân trọng giá trị của sự sáng tạo.

Nhà thiết kế Walter Van Beirendonck, Trưởng khoa Thời trang tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp (Bỉ)- cái nôi của những tên tuổi như Martin Margiela và Dries Van Noten- khẳng định chắc nịch: “Antwerp không phải là ngôi trường bạn có thể học kinh doanh, và chúng tôi chẳng thấy xấu hổ vì điều ấy.”

Có lẽ chính nhờ tư tưởng đào tạo này mà thành phố bé nhỏ Antwerp của nước Bỉ luôn được xem là một điểm nóng trên bản đồ thời trang thế giới.

Ca sỹ Pharrell Williams trong chiếc áo thun Comme des Garcons Play, một thương hiệu thương mại rất thành công của Rei Kawakubo.

Không hề được đào tạo qua bất cứ trường lớp thời trang chính thống nào, nhưng với bề dày kiến thức về nghệ thuật và văn học được bồi dưỡng suốt những năm tháng tại Đại học Keio, năm 1973, Rei Kawakubo đã mở công ty của riêng mình mang tên Comme des Garcons.

Ngày nay, Comme des Garcons là thế giới của riêng Rei, nơi bà được thỏa sức vẫy vùng trong sự sáng tạo vô biên của mình qua những thiết kế luôn có khả năng khiến bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng, đẩy lùi mọi giới hạn và định kiến.

Dù luôn sản xuất gần như tất cả các thiết kế avant-garde được giới thiệu trên sàn diễn, đối tượng khách hàng- những người hâm mộ điên cuồng và trung thành của các sản phẩm này- vẫn quá ít ỏi để có thể sinh lời.

Và, như nhà thiết kế người Mỹ Tommy Hilfiger từng phát biểu: “Nếu áo quần không thể thực sự sinh lời, thì còn làm thời trang để làm gì?”

Ngoài dòng sản phẩm chính, Rei Kawakubo đã khéo léo mang đến hàng trăm dòng sản phẩm đại chúng hơn, hoàn toàn đậm tính thương mại nhưng vẫn theo đúng tinh thần vị-nghệ-thuật của Comme des Garcons.

Có thể nói trong những nhà thiết kế đương thời, bà là người hiếm hoi vừa giữ được sự sáng tạo tự do thăng hoa, vừa xây dựng được một đế chế tài chính vững mạnh: hàng năm, công ty Comme des Garcons sinh lời khoảng 220 triệu đô la Mỹ.

Show diễn Comme des Garcons Xuân Hè 2016 đầy điên rồ và hoàn toàn không tưởng.

Tuy vậy, người phụ nữ nhỏ nhắn lập nên đế chế vĩ đại Comme des Garcons lại không giữ vị trí chủ tịch của công ty mình.

Bà thuê Adrian Joffe, một nhà kinh doanh sành sỏi đảm nhiệm vị trí này. Trên thực tế, không phải ai cũng có thể dễ dàng và may mắn tìm được một cánh tay phải đắc lực và rất mực ăn ý như Adrian.

Thị trường lao động luôn biến chuyển đã tạo nên nhu cầu đào tạo những kỹ năng đặc biệt để giúp học viên có thể đảm nhiệm những vị trí đòi hỏi phải làm việc trong nhiều môi trường khác nhau- từ xưởng may cho đến phòng họp.

Những ông trùm thời trang không cần những ngôi sao, họ cần ai đó hiểu rõ được những hệ quả kinh tế của các bộ sưu tập.

Nhiều ngôi trường nổi tiếng về đào tạo thời trang đã bắt đầu phản hồi tích cực với xu thế này.

Năm ngoái, trường Cao đẳng Thời trang London đã mở một trường kinh doanh của riêng mình.

Tại Parsons, nhiều nỗ lực đã được đưa ra để cân bằng những yếu tố kinh doanh và sáng tạo trong chương trình học. Khi nhận ra kinh doanh đồng nghĩa với việc sáng tạo, học viên sẽ muốn đào sâu để hòa quyện kinh doanh và sáng tạo hơn nữa.

Bài toán cân bằng giữa sáng tạo và thương mại luôn khiến các nhà mốt phải đau đầu.

Thế nhưng dường như con đường nhiều nhà thiết kế và giảng viên cho là hiệu quả nhất vẫn chính là để học viên tự mình trải nghiệm.

Thay vì ngồi ở giảng đường và nghe các giáo sư giảng dạy những lý thuyết bất tận, thì “Việc thực tập nên bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên. Đấy chính là nơi bạn thực sự học được những kỹ năng sống còn của cuộc chơi này," theo lời khuyên của nhà thiết kế gốc Campuchia Phillip Lim.

Lim cũng cho rằng, việc nhiều trường chỉ cho sinh viên thực tập vào năm cuối là hoàn toàn bất hợp lý, bởi “Học viên đã học rồi, nhưng chỉ toàn là giả định, vậy sao phải đợi đến cuối cùng mới bắt đầu kiểm tra? Hãy kiểm tra ngay từ khi vừa bắt đầu.”

Chàng trai 21 tuổi Alexander Wang đã làm việc tại chuỗi cửa hàng bán lẻ danh tiếng Barneys khi vừa thực tập vừa theo học tại Học viện Thời trang Parsons.

“Với nhiều người, trường học là lựa chọn đúng đắn, bởi tính nhẫn nại cũng như kiểu kiến thức mà họ sẽ được cung cấp," Alexander Wang chia sẻ, “nhưng tôi luôn bị những trải nghiệm bên ngoài kích thích đến mức, bạn biết không, thậm chí cả khi nghỉ học một năm để đi thực tập, hay chỉ để lau sàn tại Barneys, tôi sẽ vẫn học được hơn trong trường rất nhiều.”

Và quả thật, khi đang học dở năm hai, Wang bỏ Parsons để theo đuổi sở thích của mình. Tiếp theo đấy, chuyện gì xảy ra thì có lẽ ai cũng biết.

Wang sở hữu nhãn hiệu thời trang vô cùng đắt giá mang tên mình, show diễn của anh luôn được mong chờ tại Tuần lễ Thời trang New York, và anh trở thành giám đốc sáng tạo của một trong những nhà mốt hàng đầu Paris, Balenciaga, khi chưa đầy 30 tuổi.

Nhà thiết kế Alexander Wang- 'cục cưng' của làng thời trang hiện đại.

Nhưng chẳng phải cơ hội thực tập nào cũng như nhau. Ngay cả khi được thực tập tại những hãng thời trang hàng đầu như Pucci, Gucci, Roberto Cavalli và Salvatore Ferragamo, bạn hoàn toàn vẫn có thể chỉ bị sai vặt và chạy quanh quẩn mua càphê hay in tài liệu như cô nàng Andrea Sachs những ngày đầu đi làm tại Runway trong bộ phim “The devil wears Prada."

Và cũng không thiếu những trường hợp bị sai vặt không lương như hãng Alexander McQueen đã từng bị lên án.

Ngược lại, một công ty nhỏ nhưng với những người hướng dẫn tận tình sẽ mang lại cho bạn những bài học vô giá.

Đương nhiên, đào tạo những học viên thời trang trong các văn phòng quản trị chưa bao giờ là câu trả lời lý tưởng cho bài toán cân đối sáng tạo-kinh doanh.

Những nhà thiết kế thời trang chẳng cần thành thạo các công việc bàn giấy. Tuy vậy, họ luôn cần nhận thức rõ nhiệm vụ sáng tạo và thương mại, cũng như vai trò của mình trên cả hai “mặt trận” này./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục