Ngành dệt may bắt tay với logistics để nâng cao sức cạnh tranh

Nếu doanh nghiệp dệt may và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hợp tác với nhau sẽ tiết giảm được chi phí giúp doanh nghiệp của cả hai phía nâng cao khả năng cạnh tranh.
Sản xuất quần áo xuất khẩu. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Dệt may là ngành đứng thứ hai về kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do vậy, nếu doanh nghiệp dệt may và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hợp tác với nhau sẽ tiết giảm được chi phí giúp doanh nghiệp của cả hai phía nâng cao khả năng cạnh tranh.

Khắc phục "mạnh ai, nấy làm"

Ông Nguyễn Tường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho biết đặc thù của ngành dệt may là nhập nguyên phụ liệu và xuất hàng đi các thị trường. Do vậy, doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có thể kết hợp với nhau cùng làm để giảm cả về chi phí, thời gian và thủ tục.

Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng mua nguyên phụ liệu tại một thị trường có thể kết hợp mua chung, nhập thành lô hàng lớn sẽ giúp giảm đáng kể phí vận chuyển.

Chi phí logistics hiện đang chiếm tới gần 1/3 giá thành mỗi sản phẩm xuất nhập khẩu dệt may. Nếu giảm được chi phí này, có nghĩa dệt may Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 1 tỷ USD/năm.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may khi xuất hàng vẫn chưa kết hợp được việc nhập luôn nguyên phụ liệu về hoặc khi nhập nguyên phụ liệu về lại chưa kết hợp với việc xuất hàng đi. Bởi, thường các lô hàng hóa chỉ có một chiều hoặc là xuất hoặc nhập, chiều còn lại đều là phải chuyên chở container rỗng nên khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển là cách cho các doanh nghiệp dệt may và logistics "gặp" được nhau, ông Tường cho biết thêm.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2015 kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành là 43,5 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 27 tỷ USD. Tương ứng với đó là cả triệu tấn bông nhập khẩu, gần 2 triệu tấn xơ, sợi xuất khẩu và hàng trăm nghìn container quần áo xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc xuất và nhập khẩu của các doanh nghiệp dệt may thường mạnh ai nấy làm, doanh nghiệp phải tự đi tìm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mà chưa có sự liên kết phối hợp chặt chẽ từ phía các nhà quản lý. Để giải quyết tình trạng trên cần sự đồng thuận từ doanh nghiệp hai phía và sự điều phối của một đơn vị cầm trịch.

Mặc dù vậy, khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và của ngành dệt may Việt Nam nói riêng cũng đang phải đối mặt đó là rất nhiều loại phí do các hãng logistics đặt ra. Chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp dệt may hiện sản xuất gia công nên phải chịu chỉ định về nguồn cung nguyên phụ liệu và nhà vận chuyển. Do đó, cơ hội cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp logistics trong nước là rất hạn chế.

Theo ông Nguyễn Đức Chương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Việt, so với các quốc gia trong khu vực, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải chịu nhiều loại chi phí cao như lãi suất ngân hàng, phí vận tải. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải chịu chi phối của doanh nghiệp vận tải nước ngoài.

Hoạt động lưu kho, lưu bãi container tại khu vực liên doanh giữa Cảng Hải Phòng và Hãng tàu Heung-A. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đơn cử với phí CIC là loại phụ phí cước vận tải biển mà các hãng tàu thu để bù đắp chi phí phát sinh từ việc điều chuyển một lượng lớn vỏ container rỗng từ nơi thừa sang nơi thiếu, chỉ được áp dụng vào mùa cao điểm.

Với doanh nghiệp có quy mô xuất nhập khẩu lớn như Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến... có thể gánh được chi phí này. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc thu phí này lại là gánh nặng lớn.

Ông Nguyễn Đức Chương cũng cho rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện cũng phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Hoạt động logistics vì thế đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh trạnh của doanh nghiệp thông qua các tiêu chí như giảm thời gian lưu thông hàng hóa, tăng độ tin cậy và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các tiêu chí trên có thể được cải thiện tốt hơn nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may.

Tiết giảm chi phí

Để nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, nhất là giảm bớt chi phí trong hoạt động logistics, nhiều doanh nghiệp dệt may đã quay sang hướng “tự làm.” Đại diện Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè cho biết Tổng công ty đã thành lập Công ty NBC logistics để tự vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục xuất nhập khẩu cho sản phẩm của doanh nghiệp. Công ty NBC logistics đã mang lại hiệu quả lớn, giúp mục tiêu phát triển toàn diện của Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè đến gần hơn.

Để thuận tiện cho việc giao dịch các thủ tục, NBC logistics mở văn phòng đại diện ở Thượng Hải (Trung Quốc), nhiều doanh nghiệp dệt may khác đã tìm đến để thuê làm dịch vụ xuất nhập khẩu.

Đến nay, việc tự làm dịch vụ logistics cho khoảng 70% hàng hóa đã giúp Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè tiết kiệm được nhiều chi phí. Nếu chi phí cho việc xuất nhập khẩu trước đây công ty mất khoảng 6 tỷ đồng thì nay chỉ mất dưới 4 tỷ đồng mỗi năm.

Theo đại diện doanh nghiệp này, nhiều hãng tàu làm dịch vụ thu phụ phí cao, theo cách của họ thì một lô hàng có thể mất đến 100 USD, nhưng doanh nghiệp tự làm chỉ mất khoảng 15 USD. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đây là vấn đề lớn. Do vậy, các doanh nghiệp chủ động liên kết tạo thành chuỗi, nhưng cũng cần đến sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.

Công ty cổ phần Đam San tại Thái Bình là một trong những công ty sản xuất sợi cho biết, hiện mỗi năm doanh nghiệp xuất và nhập một lượng hàng không nhỏ. Dịch vụ logistics chiếm khá cao trong chi phí sản xuất, mỗi năm doanh nghiệp chi từ 3-4 tỷ đồng cho dịch vụ này. Nếu giảm được chi phí này sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này thì hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu vẫn chưa lưu thông nhanh vào giờ cao điểm bởi đường hẹp, hay các kho chứa hàng còn hạn chế. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng, hạ tầng giao thông vận tải không đồng bộ thiếu hành lang đa phương thức... cũng là những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chủ hàng.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan giữa chủ hàng và chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa tốt. Chủ hàng chưa tin tưởng vào các doanh nghiệp cung cấp logistics Việt Nam bởi yếu tố chất lượng và giá thành cao.

Đại diện công ty cổ phần Đam San đề xuất làm sao phải kết hợp giữa các nhà xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Việc này cần sự ủng hộ của hai Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đối với doanh nghiệp hai bên.

Dưới góc độ ngành hải quan, để hỗ trợ doanh nghiệp về logistics, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan đề xuất việc mở rộng dịch vụ công mức độ 4 tại các cửa khẩu chính trên phạm vi cả nước, hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử, xây dựng hệ thống quản lý hàng hóa tại cửa khẩu với sự tham gia của hãng tàu, hàng không, công ty giao nhận, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan.

Cùng với đó, ông Tuấn cho rằng cần phát triển phương thức vận tải xuyên biên giới thông qua việc hình thành sàn giao dịch vận tải, phát triển dòng xe vận tải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, thành lập trung tâm chuyển tải nội địa và quốc tế tại miền Trung để phục vụ hai trục Bắc-Nam và Đông-Tây. Đồng thời phát triển cảng Cái Mép Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục