Theo báo cáo thường niên của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), một tổ chức thành viên phi lợi nhuận, cứ 10 USD chi tiêu trên toàn cầu trong năm 2024, sẽ có 1 USD dành cho du lịch khi mọi người nhanh chóng đặt phòng khách sạn, du thuyền và các chuyến bay.
Điều này cho thấy nhu cầu du lịch đang tăng mạnh.
Đóng góp của ngành du lịch và lữ hành đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu dự kiến sẽ lên mức cao mới khi người tiêu dùng ngày càng coi du lịch là một phần thiết yếu trong ngân sách của họ.
WTTC ước tính rằng đóng góp của ngành này vào GDP toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng 12,1% so với năm trước lên 11.100 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Con số này tăng khoảng 7,5% so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2019.
Giám đốc điều hành (CEO) Julia Simpson của tổ chức phi lợi nhuận này cho biết: "Mặc dù năm ngoái vẫn còn nhiều lo ngại về việc chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu và lạm phát cao, nhưng năm nay chúng ta đang hướng đến mục tiêu đưa du lịch và lữ hành trở thành động lực kinh tế thực sự trên toàn cầu."
Chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP. Ngành này dự kiến sẽ hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024, tăng 13,6 triệu việc làm so với năm 2019, kỷ lục trước đại dịch. Ngành vẫn đang tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển nhanh chóng.
Theo Hiệp hội Du lịch Mỹ, ngành giải trí và khách sạn nước này đang thiếu 1 triệu nhân viên. WTTC nhận định rằng tổng số việc làm được hỗ trợ tại Mỹ vào khoảng 27 triệu việc làm trong năm 2023./.
Châu Á đang dẫn đầu xu hướng bùng nổ du lịch trên toàn cầu
Hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Á đang bùng nổ trở lại sau đại dịch COVID-19 với số lượng du khách đến các nước khu vực này dự kiến sẽ tăng 30% trong năm nay.