Ngành du lịch tạo ra khoảng 8% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, cao gấp 4 lần so với các tính toán trước đó, và đang dần trở thành một yếu tố cần được quan tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu công bố ngày 7/5 trên tạp chí Nature Climate Change, lượng khí thải nhà kính của ngành công nghiệp không khói trị giá hàng nghìn tỷ USD đang tăng nhanh chóng, chủ yếu do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiêu hao nhiều năng lượng.
Theo chuyên gia Arunima Malik của Đại học Sydney, người đứng đầu công trình nghiên cứu, du lịch sẽ là ngành kinh tế tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất trong thời gian tới, với doanh thu dự kiến sẽ tăng 4%/năm cho tới năm 2025. Việc kiểm soát ô nhiễm khí thải carbon của ngành này do đó đang ngày một trở nên cấp thiết hơn.
Trong thập kỷ trước, Mỹ là nước có lượng khí thải CO2 trong ngành du lịch cao nhất, và các nước phát triển như Đức, Canada và Anh cũng đều thuộc top 10. Tuy nhiên, sự phát triển của tầng lớp trung lưu đã khiến các nền kinh tế đang phát triển cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng này, với Trung Quốc đứng thứ 2 trong khi Ấn Độ, Mexico và Brazil lần lượt đứng thứ 4, thứ 5 và thứ 6.
[Việt Nam nỗ lực đến năm 2030 giảm từ 8-25% khí thải nhà kính]
Du lịch quốc tế với các chuyến bay đường dài là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất và đóng góp khoảng 25% tổng lượng khí thải CO2 của ngành du lịch.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, tổng lượng khách ngành hàng không dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2036 lên 7,8 tỷ lượt người/năm. Ngành hàng không chiếm khoảng 2% tổng lượng khí thải CO2 từ hoạt động của con người. Tuy nhiên, cả ngành hàng không và ngành du lịch đều không được đề cập đến trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Năm 2016, 191 quốc gia trên thế giới đã đạt được thỏa thuận cam kết sẽ cắt giảm khí thải nhà kính trong ngành hàng không sau năm 2020 thông qua việc đầu tư 2% doanh thu của ngành cho hoạt động trồng rừng, cũng như các dự án giảm khí thải carbon khác./.