Ngành vật liệu cần có 'cuộc cách mạng xanh' trong sản xuất

Trong bối cảnh điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệt xây dựng cần đổi mới công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Nhận định ngành vật liệu xây dựng đang đứng trước những khó khăn chưa từng có khi giá thành tăng quá cao trong khi nguồn cung hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc lập mới quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển đổi mô hình phát triển theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, vừa giảm tiêu hao năng lượng, vừa đảm bảo môi trường.

Nhiều vướng mắc, bất cập từ thực tiễn

Tại Hội thảo “Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam với kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” diễn ra chiều 23/11, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Trưởng ban Quản lý quy hoạch khoáng sản (Bộ Xây dựng) cho biết theo các nghiên cứu, tài nguyên khoáng sản Việt Nam cơ bản đáp ứng đủ “nguồn cung” cho thị trường, đảm bảo nguồn dữ trữ cho quốc gia.

Thực tế việc ban hành các quy hoạch trong lĩnh vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm xi măng thời gian qua đã góp phần đưa nhiều mỏ khoáng sản có quy mô công nghiệp vào thăm dò, khai thác kịp thời, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất; đóng vai trò quan trọng cho phát triển của đất nước.

Tuy vậy, quá trình triển khai quy hoạch thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập như: Thiếu thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; kỳ quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và khai thác; việc chồng lấn các quy hoạch (khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái) lên quy hoạch khoáng sản phổ biến tại một số địa phương.

[Hơn 1.000 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2022]

Bên cạnh đó, theo ông Bắc, công tác quy hoạch thăm dò khoáng sản thời gian qua cũng chưa triệt để theo chiều sâu thân quặng nên việc đánh giá trữ lượng còn hạn chế, không khai thác hết trữ lượng, gây lãng phí tài nguyên.

Đặc biệt, các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm xi măng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quyết định nêu trên, đến nay đã hết kỳ quy hoạch.

“Từ những vấn đề nêu trên, tôi cho rằng cần thiết phải lập mới Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định pháp luật về khoáng sản,” ông Bắc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành vật liệu xây dựng đang đứng trước những khó khăn chưa từng có. Vì thế, việc quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đối mới sản xuất theo hướng tuần hoàn.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Thịnh, đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, cho rằng sản xuất xi măng là một ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên và có phát thải lớn trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Đổi mới công nghệ, tối ưu chất thải

Trước những vướng mắc nêu trên, ông Phạm Văn Bắc cho rằng trong bối cảnh điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng khó khăn, việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Một dây chuyền sản xuất ximăng. (Ảnh. Hoàng Nguyên/TTXVN)

Nhấn mạnh quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là vấn đề “nóng,” ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn những vấn đề được nêu trong hội thảo cùng với các vấn đề khác về kinh tế tuần hoàn, sẽ giúp ngành vật liệu xây dựng có bước chuyển tích cực hơn.

“Trong đó, việc tận dụng chất phế thải làm nguyên liệu sẽ là giải pháp quan trọng để ngành công nghiệp vật liệu xây dựng góp phần xử lý môi trường hiệu quả các chất thải, kể cả chất thải sinh hoạt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các công ty trong ngành, làm sạch môi trường sống của đất nước,” ông Nga nhấn mạnh.

Riêng đối với ngành xi măng, ông Đỗ Xuân Thịnh, đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thu gom, phân loại và sơ chế chất thải; đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế nhằng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đồng thời chung tay giải quyết  các vấn đề về môi trường.

Trong diễn biến liên quan, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết tơi đây, bộ này sẽ yêu cầu các cơ sở sản xuất như xi măng phải lắp đặt các thiết bị đo, tận dụng khí thải phát điện.

Theo ông Thịnh, hiện nay, cả nước có hơn 80 dây chuyền sản xuất xi măng, tuy nhiên số lượng các hệ thống lắp đặt các thiết bị còn rất ít. Vì thế, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp mạnh để kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện. Đối với các trường hợp không tuân thủ, bộ này sẽ cương quyết có biện pháp mạnh để xử lý.

Ngoài ra, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất xanh, để đạt được “mục tiêu kép” là giảm chi phí sản xuất, giá thành, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp; đặc biệt là giảm phát thải chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Với lý do đó, “Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu để ban hành các quy định liên quan đến năng lượng từ vật liệu xây dung; sản phẩm vật liệu xanh, để đảm bảo yêu cầu về phát triển vật liệu xây dựng xanh, bền vững hơn,” ông Bắc nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục