Ngày 24/5 được coi là "Ngày của sự im lặng" tại Ukraine

Theo thông lệ, ngày 24/5, đúng một ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn diễn ra, được tuyên bố là "Ngày của sự im lặng" tại Ukraine.
Quang cảnh một vài tuyến phố thủ đô Kiev trong "Ngày của sự im lặng." (Ảnh: Quế Anh/Vietnam+)

Còn chưa đầy một ngày nữa, đất nước Ukraine bước vào cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn - sự kiện vốn được dư luận quốc tế trông đợi và dự kiến ẩn chứa nhiều bất ngờ.

Đặc phái viên TTXVN có mặt tại Kiev cho biết theo thông lệ, ngày 24/5, đúng một ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, được tuyên bố là "Ngày của sự im lặng" tại Ukraine.

Trong ngày này, mọi hoạt động tranh cử, tuyên truyền cho các ứng cử viên đều chấm dứt, để sáng Chủ nhật (25/5), cử tri khắp đất nước Ukraine sẽ đi bầu cử, lựa chọn người mà họ cho là xứng đáng nhất trong số 17 ứng cử viên Tổng thống.

Đại diện chính quyền tạm thời Ukraine tuyên bố bất chấp tình hình an ninh tại các tỉnh miền Đông Ukraine diễn biến phức tạp, song mọi cử tri tại đây cũng như tại Crimea đều có quyền đi bỏ phiếu.

Tuyên bố của Chính quyền tạm thời Ukraine nêu rõ: "Nếu cử tri ở các tỉnh miền Đông và Crimea, vì một lý do nào đó không được đi bỏ phiếu tại địa phương mình sinh sống, (mà chúng ta biết rõ đó là lý do gì), thì họ có thể đến điểm bỏ phiếu ở địa phương khác, đăng ký với một ủy ban chuyên trách để nhận lá phiếu và thực hiện quyền công dân của mình."

Tuy nhiên, nguồn tin cũng ghi nhận nhiều cử tri tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk không muốn tham gia bầu cử. Hơn 50% điểm bầu cử ở hai tỉnh này bị phong tỏa và các lá phiếu bị tiêu hủy ngay trước thềm cuộc bầu cử.

Một thủ lĩnh thuộc nhóm ly khai tuyên bố: "Chúng tôi thấy cuộc bầu cử là không cần thiết. Chúng tôi đã có nước cộng hòa của mình, và chúng tôi chưa sẵn sàng cho cuộc bầu cử. Còn những gì mà chính quyền Kiev ban bố, đó không phải là sắc lệnh dành cho chúng tôi."

Có thể thấy rõ dư luận quốc tế, nhất là các quốc gia phương Tây đặc biệt chú ý thái độ của Nga đối với cuộc bầu cử. Thậm chí hãng tin Nga ITAR-TASS đưa tin từ Brussels còn ghi nhận có lời cảnh báo nhất định trong giới chức phương Tây rằng "sự thất bại của cuộc bầu cử ở Ukraine có thể sẽ là căn cứ để Liên minh châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế cấp độ ba đối với Nga." (Hiện EU mới chỉ áp đặt trừng phạt kinh tế Nga ở cấp độ hai). Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 27/5 tới.

Trước thềm cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo EU đánh giá thái độ của Nga đối với sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, thậm chí góp phần quyết định sự thành bại của bầu cử.

Chính vì vậy có thể coi khả năng "tiếp tục áp đặt trừng phạt kinh tế" như một lời nhắn nhủ đầy hàm ý dành cho Nga. Trong khi đó, phát biểu ngày 23/5, tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "Moskva đã sẵn sàng để đối thoại với ban lãnh đạo mới của Ukraine, được bầu ra vào ngày 25/5" và rằng "Đối với Nga, điều quan trọng nhất là làm sao để hòa bình và ổn định ngự trị trên đất nước Ukraine."

(Ảnh: Quế Anh/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo nhận xét của Tổng thống Nga, điều kiện bầu cử ở Ukraine không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tại một số tỉnh miền Đông, xe tăng vẫn nã đạn vào nhau, tình hình an ninh hết sức phức tạp, thậm chí có những nhà báo (của Nga) bị bắt và bị giam giữ.

Trong số 17 ứng cử viên Tổng thống, doanh nhân Petro Poroshenko - người được mệnh danh là Ông hoàng chocolate và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko - "nữ hoàng tóc tết," được đánh giá có khả năng giành chiến thắng hơn cả.

Tuy nhiên nhiều chính trị gia hàng đầu châu Âu đã không đánh giá cao bà Tymoshenko, một người có quan điểm cứng rắn với Nga, dễ làm tổn thương cho quá trình hòa giải dân tộc, phá vỡ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi có thể thấy rõ trách nhiệm nặng nề của người được bầu chọn làm Tổng thống Ukraine lần này, trước những nguy cơ về sự phân chia đất nước, sự khủng hoảng kinh tế cũng như thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Bất luận ứng cử viên nào được bầu chọn làm Tổng thống, người đó sẽ phải thực thi các đường hướng chính, gồm cải cách chống tham nhũng, cải cách thực thi pháp luật, cải cách tư pháp, phân cấp và cải cách thuế...

Theo tin từ Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraine, có 2.784 quan sát viên đến từ 19 quốc gia và 19 tổ chức quốc tế làm nhiệm vụ giám sát cuộc bầu cử tại Ukraine. Khoảng 55.700 cảnh sát và 2.000 tình nguyện viên được huy động để đảm bảo an ninh trên khắp Ukraine.

Tại Kiev, tại Ukraine, một "Ngày của sự im lặng" đang dần trôi qua, để khi bình minh lên, ngày 25/5, các cử tri nước này sẽ đi bầu cử, tự chọn lựa "người xứng đáng."

Cùng với Ukraine, dư luận quốc tế trông đợi cuộc bầu cử Tổng thống sớm ở Ukraine diễn ra suôn sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục