"Ngày xưa có một chuyện tình" - phim mới nhất được chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang là một trong những cái tên được quan tâm hàng đầu phòng vé hiện nay mặc dù mới có các suất chiếu ra mắt sớm ngày 25/10 vừa qua.
Phim có nhiều sự tương đồng và gợi nhớ đến "Mắt biếc" - tác phẩm thường được nhắc đến như phim chuyển thể thành công nhất lịch sử điện ảnh Việt, từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn gửi đi dự thi sơ tuyển giải thưởng Oscar lần thứ 93.
Thế nhưng, nhiều khán giả "tinh ý" cho rằng tác phẩm mới giống như phần hai nhưng có hậu hơn của "Mắt biếc." Và chính những điểm khác nhau đã làm nên "sự trưởng thành" trong "Ngày xưa có một chuyện tình," đặc biệt khi hai tác phẩm ra mắt cách nhau 26 năm.
Khắc họa nỗi buồn đẹp đẽ của tình yêu
Khán giả từng mê mẩn vẻ đẹp trong trẻo, thổn thức những cuộc tình dang dở nhưng đầy cao thượng của "Mắt biếc" chắc chắn không thể bỏ qua "Ngày xưa có một chuyện tình." Tựa phim mới ra mắt không chỉ có dàn diễn viên sánh ngang phim cũ, mà tiếp tục lại là câu chuyện vêg những cuộc chia ly biệt xứ, sự hy sinh cao cả vì hạnh phúc của những người thân thương nhất.
Về môtíp, “Ngày xưa có một chuyện tình” và “Mắt biếc” đều xoay quanh mối tình giữa ba người, có sự si tình suốt đời của những chàng trai. Câu chuyện càng tréo ngoe khi Miền trong “Ngày xưa có một chuyện tình” và Hà Lan trong “Mắt biếc” đều có bầu với một người, nhưng lại dành phần đời còn lại với người khác hoặc mãi ở vậy.
Chưa kể những điểm chung khác ở cách thể hiện của hai tác phẩm, như bầu không khí trong veo và đầy chất thơ của những mối tình từ thuở học trò, không gian làng quê tươi sáng, các ca khúc chủ đạo đầy cảm xúc do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác…
Nội dung cả hai bộ phim đều xoay quanh câu chuyện tình yêu và sự hy sinh vì tình yêu cùng nỗi xót xa khi những người yêu nhau không đến được với nhau.
Tuy nhiên nếu như ở “Mắt biếc,” câu chuyện phim chỉ tập trung vào sự hy sinh vì tình yêu giữa hai nhân vật Ngạn và Hà Lan, thì ở “Ngày xưa có một chuyện tình,” các nhà làm phim đã khai thác thêm khía cạnh về sự chuyển biến từ tình bạn sang tình yêu giữa ba nhân vật. Vinh và Phúc vốn là bạn thân thiết từ xưa. Thậm chí Phúc luôn phụ giúp để Vinh tỏ tình với Miền vì biết bạn mình đã thầm thương trộm nhớ cô từ xưa. Nhưng khi tình cảm của với Miền nảy nở, tình bạn của anh và đã Vinh đứng trước bờ vực sụp đổ...
Hay nói cách khác, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã lý giải: “‘Mắt biếc’ không có sự tranh đấu lựa chọn giữa tình bạn và tình yêu khi đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành, đó là sự khác nhau cơ bản nhất.”
Bên cạnh đó, khi không có kẻ phản diện như Dũng "trai hư" trong “Mắt biếc,” “Ngày xưa có một chuyện tình” đòi hỏi người xem có sự cảm thông với cả ba nhân vật, đặc biệt là Phúc khi trong một khoảnh khắc đã quyết định đặt tình cảm của mình lên trên tình bạn.
“Chúng ta đều là con người," đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói, "ngoài những điều tốt đẹp chúng ta còn có sự ích kỷ riêng, nhưng lúc nào chúng ta biết dừng lại và chọn thời điểm thích hợp nhất. Cuối cùng, tôi nghĩ Phúc vẫn là một người hạnh phúc vì đã lưu giữ được tình bạn của mình.”
Liệu có thể đạt “trăm tỷ” phòng vé?
Dù đạt doanh số “trăm tỷ” không phải bảo chứng duy nhất bảo chứng cho chất lượng phim, song đây vẫn là đích đến đáng mơ ước. Việc có nhiều nét tương đồng với “Mắt biếc” cũng đặt phim vào một cuộc đua ngầm.
Sự chuyển giao giữa hai phim không chỉ là hai thời kỳ, mà còn ở phong cách của hai đạo diễn khác nhau, giữa Victor Vũ (“Mắt Biếc” và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”) và Trịnh Đình Lê Minh (“Thưa mẹ con đi” và “Bằng chứng vô hình”).
Thêm vào đó nếu so sánh về thời điểm ra mắt, “Mắt biếc” có khởi đầu thuận lợi hơn. Ghi nhận từ nền tảng thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam năm 2019, phim của Victor Vũ cạnh tranh khốc liệt với “Chị chị em em” của Kathy Uyên vào thời điểm ra mắt. Nhưng sau 9 ngày (tuần công chiếu thứ 2), “Mắt biếc” chính thức vượt mốc 100 tỷ đồng và bỏ xa đối thủ (cùng thời điểm chỉ thu 48 tỷ đồng).
“Ngày xưa có một chuyện tình” sẽ ra mắt chính thức vào 1/11 nhưng đã có lượng lớn suất chiếu sớm từ 25/10. Dịp cuối tuần vừa qua phim được xếp tổng cộng hơn 3.600 suất chiếu, ngang hàng với phim Việt ra mắt trước đó là “Cô dâu hào môn.” Điểm bất lợi là cả hai vẫn đang bị dẫn đầu bởi một phim nước ngoài là “Venom: Kèo cuối.”
Đánh giá tổng quan về phim, người vận hành Box Office Vietnam - ông Nguyễn Khánh Dương nói phim có tiềm năng đạt trăm tỷ, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim đồng thời cần liên tục theo dõi các yếu tố khách quan khác./.