Ngày 24/4, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An công khai xét xử phúc thẩm vụ án đối với bị cáo Hoàng Đức Bình về các tội “Chống người thi hành công vụ," "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."
Bào chữa cho bị cáo có Luật sư Nguyễn Khả Thành, công tác tại Văn phòng Luật sư Khả Thành (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên) và Luật sư Hà Huy Sơn, công tác tại Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Hà Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Bị cáo Hoàng Đức Bình, sinh ngày 10/2/1983; nơi cư trú: xóm 6, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An; tôn giáo: Thiên chúa giáo; nghề nghiệp: Lao động tự do.
Hoàng Đức Bình từng tham gia một số tổ chức, hội, nhóm chống đối, mang màu sắc chính trị, như: Nhóm “NoU Sài Gòn," nhóm “Phong trào Lao động Việt”; từng rải tờ rơi tại Thành phố Hồ Chí Minh và bị bắt để điều tra về hành vi rải tờ rơi lôi kéo người tham gia “Nghiệp đoàn độc lập,” từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm. Đối tượng không nộp phạt, bỏ trốn về Nghệ An.
Sau khi trở về Nghệ An, Hoàng Đức Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng...
[Xét xử hình sự sơ thẩm hai bị cáo Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong]
Ngày 6/2/2018, Hoàng Đức Bình đã bị Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, Nghệ An tuyên phạt 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”; tổng cộng là 14 năm tù.
Ngày 12/2/2018, bị cáo Hoàng Đức Bình làm đơn kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm ngày 6/2/2018 của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An nhận định đây là vụ án bị cáo Hoàng Đức Bình nhận thức rõ việc “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo thiếu trách nhiệm công dân, coi thường pháp luật; bị cáo phạm các tội nghiêm trọng; hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội; không những xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức Nhà nước mà còn gây bất bình trong quần chúng nhân dân...
Trước đó, ngày 6/2/2018, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử cũng đã xác định rõ hành vi phạm tội của bị cáo, đó là sáng 14/2/2017, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong cùng khoảng 300 người xuất phát từ Giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đi vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dưới danh nghĩa khiếu kiện Công ty Formosa. Đoàn người đem theo băng rôn, khẩu hiệu và đi bằng nhiều phương tiện, đi thành hàng 3, hàng 4, gây ách tắc giao thông.
Khi lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng, ổn định trật tự, Hoàng Đức Bình ngồi trên xe ôtô đã xúi giục tài xế Nguyễn Nam Phong đóng cửa ô tô, không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.
Chính Hoàng Đức Bình là người chủ động xúi giục, lôi kéo, kích động Nguyễn Nam Phong cùng thực hiện hành vi phạm tội “Chống người thi hành công vụ."
Hoàng Đức Bình còn lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vu khống, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lực lượng công an; đưa ra những thông tin thất thiệt nhằm mục đích định hướng người nghe hiểu sai bản chất sự việc, nhìn nhận sai lệch về lực lượng công an, nghiêm trọng hơn là hiểu sai chế độ.
Không những thế, bị cáo còn có những lời bình luận kêu gọi, kích động người sử dụng Facebook theo dõi, đưa tin, chia sẻ, trong đó có những bình luận bôi nhọ chế độ, bôi nhọ, xuyên tạc, hạ thấp uy tín lực lượng công an.
Hành vi của Hoàng Đức Bình đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, lợi ích của Công an Nghệ An nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung, tạo dư luận xấu không những ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài…
Mặt khác, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Đức Bình không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào nhân thân, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, ý thức chủ quan của bị cáo, nội dung kháng cáo của bị cáo và đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An tại phiên tòa không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo; quan điểm bào chữa của luật sư và của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là không có căn cứ.
Căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 356, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Đức Bình, giữ nguyên như bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Hoàng Đức Bình phạm tội “Chống người thi hành công vụ” và tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."
Áp dụng điểm c, d, khoản 2, Điều 257; khoản 2, Điều 258; Điều 50 Bộ luật hình sự, tòa xử phạt bị cáo Hoàng Đức Bình 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."
Tổng hình phạt chung của 2 tội là 14 năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam 15/5/2017./.