Những người nghệ sỹ luôn có một năng lượng sáng tạo không giới hạn và niềm khát khao được lao động, được cống hiến. Dù không thể theo đuổi những công việc quen thuộc, ở những lĩnh vực sở trường do những tác động của dịch COVID-19, nhưng họ vẫn không ngừng làm việc và lan tỏa những điều có ý nghĩa.
May mắn vì có ‘nghề tay trái’
MC Thành Trung là một bình luận viên quen thuộc tại các giải đấu như Euro, World Cup, hay các trận đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam. Bên cạnh nghề MC dẫn các chương trình giải trí, truyền hình thực tế,… thì bình luận viên bóng đá thực sự đã trở thành “nghề tay trái” mang lại cho anh thu nhập và niềm vui lớn lao trong thời kỳ dịch bệnh.
Thực tế, Thành Trung đã tham gia công việc này nhiều năm. Lần đầu tiên, anh bình luận bóng đá với vai trò khách mời là vào năm 2006 trên kênh VCTV3, tiền thân của Thể thao TV và Bóng đá TV. Có giai đoạn, anh lên sóng hàng tuần trên hai kênh này.
Thành Trung yêu thích bóng đá từ nhỏ, chăm đọc các thông tin về bóng đá khi còn ở tuổi học sinh, bên cạnh đó, anh lại là một người dẫn chương trình nên có cách truyền đạt thông tin dễ hiểu, cuốn hút.
Yêu nghề và luôn tận hiến song Thành Trung cũng thừa nhận rằng công việc này không mang lại thu nhập cao bởi kinh phí nhà đài có hạn, các giải bóng đá lớn tiêu tốn rất nhiều chi phí mua bản quyền mà không phải lúc nào việc bán quảng cáo cũng bù lại được.
“Bình luận thể thao là công việc vất vả, thường xuyên phải thức trắng đêm, song tôi nghĩ trong lúc dịch bệnh như thế này, có một công việc để làm đã là tốt rồi. Hơn nữa, tôi làm vì đam mê và muốn phục vụ khán giả,” anh nói.
Thành Trung biết ơn “nghề tay trái” này bởi khi dịch bùng phát, hoạt động giải trí tạm ngừng, anh vẫn được đứng trước máy quay, vẫn được khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ.
Nam MC tự hào cho rằng mình là một trong những người làm nghệ thuật yêu bóng đá nhất và biết chơi bóng đá nhất. Anh hóm hỉnh “khoe” rằng trong giới nghệ sỹ, anh là người duy nhất cống hiến cho bóng đá 2 dây chằng.
Cách đây 8 năm, Thành Trung đứt dây chằng chéo trước gối trái, đã phải phẫu thuật, nghỉ chơi bóng một thời gian. Hai tháng trước, anh lại phải phẫu thuật vì đứt dây chằng chéo trước gối phải. Hiện anh vẫn đang tập luyện phục hồi để 5 tháng nữa có thể ra sân chơi bóng.
Khai trương tiệm hoa giữa mùa dịch
Khi nghệ sỹ nhiếp ảnh Tô Thanh Tân khai trương tiệm hoa nghệ thuật tại Hà Nội vào tháng 5/2021, đã có rất nhiều người bất ngờ bởi cắm hoa không phải chuyên môn của anh và dịch bệnh đang gây khó khăn cho mọi ngành, nghề kinh doanh.
Tuy nhiên, với niềm đam mê và mong muốn đem lại niềm vui cho mọi người, anh đã quyết tâm thực hiện bằng được.
“Sau những ngày tìm hiểu sâu về lĩnh vực mới này, tôi đã học được rất nhiều điều ý nghĩa từ những câu chuyện của mỗi loài hoa. Tôi cảm nhận được sức sống cũng như độ bền của mỗi bông hoa chỉ qua một ánh nhìn. Tôi cảm thấy mình đang đi đúng hướng,” nghệ sỹ chia sẻ.
Anh bộc bạch rằng nhiếp ảnh giúp anh lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, còn tiệm hoa tươi cho anh thấy niềm hạnh phúc, tình yêu được lan tỏa giữa người với người, nhất là trong những ngày dịch bệnh đang làm đảo lộn cuộc sống của mỗi gia đình.
Với Tô Thanh Tân, dịch bệnh khiến anh không thể đi lại nhiều nơi để chụp ảnh như trước. Cửa hàng hoa tươi đã mang lại một nguồn thu nhập và niềm vui cho nghệ sỹ trước những ngày Hà Nội bị giãn cách.
Trước đó, anh đã từng kinh doanh nhà hàng và thường tự tay cắm hoa trên bàn tiệc của khách. Dường như, nhiếp ảnh và cắm hoa có điểm chung đó là thôi thúc sự sáng tạo của người nghệ sỹ và cùng tôn vinh, lan tỏa cái đẹp.
[Màn nhung khép lại, nghệ sỹ sân khấu ngậm ngùi tìm kế mưu sinh]
“Nhiếp ảnh là nghệ thuật và cắm hoa cũng là nghệ thuật. Hai lĩnh vực này đều cần tính thẩm mỹ và tính sáng tạo rất cao. Khi cắm được một bình hoa đẹp, tôi cũng hạnh phúc như khi chụp được một tấm ảnh đẹp,” nghệ sỹ chia sẻ.
Món cá kho "nuôi em"
Khán giả biết tới ca sỹ Trần Nguyên Thắng với những bài hát, video ca nhạc đậm chất quê hương Quảng Bình. Khi dịch bùng phát khiến hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải ngừng lại, nam ca sỹ bỗng khiến những người quen của mình bất ngờ, bởi món cá kho của anh cũng “đắt show” không kém gì người làm ra nó.
Anh chia sẻ về công việc mới với phóng viên VietnamPlus giữa đêm muộn, khi đang thức canh nồi cá kho để sáng sớm giao cho khách.
Trong khoảng thời gian ở nhà chống dịch, Trần Nguyên Thắng thường tự vào bếp nấu cơm. Một lần, anh khoe bức ảnh chụp mâm cơm với món cá kho lên trang cá nhân, nhiều người tấm tắc khen món ăn hấp dẫn và muốn ăn thử. Vậy là chàng ca sỹ bắt đầu công việc bán cá kho.
Trần Nguyên Thắng rất bất ngờ khi nhận được nhiều lời khen cho món cá kho của mình. Anh chia sẻ rằng đây là cá nục kho mật cay ngọt, đậm đà hương vị Quảng Bình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nhật Lệ, chàng trai Quảng Bình mê nhất món cá nục kho. Nhà nghèo nên mỗi lần đi chợ, mẹ chỉ mua về được một ít cá, đem kho mặn để cả nhà ăn dè. Bốn anh em Thắng quây xung quanh nồi cá kho, thoáng chốc đã hết veo, cậu bé Thắng lúc nào cũng thòm thèm, muốn ăn thêm mà phải nhường các em.
Khi đã lớn hơn một chút, Thắng có nhiệm vụ trông em và nấu cơm cho cả gia đình. Từ đó, Thắng tự mày mò, nấu theo khẩu vị mình thích. Cá kho mật vẫn luôn là món ăn gây thương nhớ từ thủa ấu thơ đối với chàng ca sỹ.
“Một mình kho hàng chục cân cá trong một ngày cũng khá là vất vả nhưng tôi rất vui khi nhận được những phản hồi tích cực từ mọi người. Lời lãi từ việc bán cá không cao so với biểu diễn nhưng được làm việc mình thích lại vẫn có thu nhập là điều rất may mắn rồi,” anh chia sẻ.
Món cá kho đặc sản này không chỉ đắt khách ở Hà Nội. Khi hoạt động biểu diễn tạm ngưng, Trần Nguyên Thắng trở về quê nhà Quảng Bình. Thật bất ngờ là món ăn này cũng vẫn được mọi người nhiệt tình đón nhận./.