Nghị định mới về quảng cáo gây khó cho hoạt động kinh tế báo chí?

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiến nghị cần sửa đổi Luật Quảng cáo cho phù hợp với xu thế phát triển của truyền thông hiện nay trong môi trường hội nhập quốc tế.
Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng Nghị định 38 có thể khiến kinh tế báo chí gặp khó. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng Nghị định 38 có thể khiến kinh tế báo chí gặp khó. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, quảng cáo trực tuyến ngày càng phổ biến. Theo thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới là Facebook và Google chiếm hơn 80% doanh thu. Kênh quảng cáo truyền thống trên báo in đã dần dịch chuyển sang báo điện tử và mạng xã hội.

Từ 1/6, Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam mới đây đã gửi kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra một số điểm bất cập trong Nghị định mới này, cụ thể là quy định xử phạt “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” và “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài.”

Nghị định gây khó cho báo chí và doanh nghiệp

Đại diện gần 450 hội viên là các doanh nghiệp truyền thông, quảng cáo, các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia thực hiện dịch vụ quảng cáo, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa gửi công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh bất cập của nghị định 38.

“Với sứ mệnh là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp quảng cáo, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, hướng dẫn chính sách về quảng cáo, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, Hiệp hội cho rằng việc áp dụng nghị định 38 sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, YouTube,” ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Bất cập đầu tiên là tại điểm b, khoản 2, điều 38 của nghị định 38, quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng, nếu "thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử không ở vùng cố định quá 1,5 giây." Có nghĩa là thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây, sau đó người dùng có thể bấm nút bỏ qua.

Theo ông Sơn, quy định trên "thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp." 

Trong khi đó, giao diện của các nền tảng như Facebook và Google cho phép người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất là 5 giây.

"Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, bảo hộ cho hoạt động quảng cáo của các nền tảng này trong khi hiện họ có rất nhiều vấn đề sai phạm về nội dung và chất lượng quảng cáo chưa được khắc phục triệt để," ông Sơn phân tích.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết: "Theo thông lệ quốc tế, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin/bài và tùy biến dựa trên đối tượng đọc báo. Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo."

Tuy nhiên, Nghị định 38 lại quy định xử phạt từ 10-15 triệu đồng nếu "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài" (điểm c, khoản 2, điều 38). 

Ông Sơn cho rằng Luật quảng cáo đã ban hành cách đây 10 năm, tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với sự phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của báo hình, báo viết, báo điện tử, các ứng dụng trên điện thoại và các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới như YouTube, Facebook.

“Báo chí vốn là kênh uy tín để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng kênh báo chí nhiều hơn để tiếp cận công chúng,” ông Sơn khẳng định.

Do đó, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin-Truyền thông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các quy định tại Nghị định 38, đồng thời sớm phê chuẩn kế hoạch sửa đổi Luật Quảng cáo cho phù hợp với xu thế phát triển của truyền thông hiện nay trong môi trường hội nhập quốc tế.

Sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo?

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, nội dung của Nghị định 38 phù hợp với Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, Luật Xử lý vi phạm hành chính, không ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo trên báo điện tử và đảm bảo quyền tiếp nhận nội dung thông tin của bạn đọc.

[Nghệ sỹ tham gia quảng cáo: Cần bảo vệ hình ảnh, uy tín của chính mình]

Đối với báo điện tử, Khoản 1 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định: "Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định sau: a) Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây."

Căn cứ quy định trên, báo điện tử được bố trí phần quảng cáo ở khu vực cố định, riêng biệt, không lẫn vào nội dung tin bài. Đối với phần quảng cáo này, không có quy định hạn chế về thời lượng quảng cáo cũng như không phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo.

Nghị định mới về quảng cáo gây khó cho hoạt động kinh tế báo chí? ảnh 1Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). (Ảnh: BVHTTDL)

Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.

"Như vậy, đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây. Quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ đáp ứng hai yêu cầu của người xem: Một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận," Cục trưởng cho biết.

Trước kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng các nền tảng như Facebook, Google không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác, hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

“Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội. Với vai trò quan trọng như vậy, việc có các quy định riêng về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết, đúng theo chức năng, cơ cấu, tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí,” Thứ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật Quảng cáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục