Nghị quyết Quốc hội tập trung vào tiền lương, tinh giản biên chế

Nghị quyết của Quốc hội tập trung vào 21 lĩnh vực trong đó có nội dung liên quan đến chính sách tiền lương, chế độ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Quang cảnh phiên họp ngày 29/11. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 29/11, với 474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (95,95%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Tại Nghị quyết, Quốc hội nêu rõ các các nội dung cần tập trung thực hiện đối với 21 lĩnh vực, trong đó có những nội dung nổi bật như: Cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024, tinh giản biên chế, xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội…

Cải cách tiền lương cho người lao động

Theo nghị quyết vừa được thông qua, trong lĩnh vực nội vụ, Quốc hội nhấn mạnh việc đổi mới hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức về thẩm quyền giao, quản lý biên chế nhằm thể chế chủ trương của Đảng về quản lý biên chế công chức, viên chức.

Theo đó, Nhà nước tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị quyết của Quốc hội có nhiều nội dung về nội vụ như tiền lương, biên chế, chế độ người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo nghị quyết, mục tiêu đề ra là sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ có trách nhiệm chậm nhất là đến hết năm 2025, chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021.

Ngoài ra, Chính phủ tập trung tổ chức triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, bảo đảm ổn định hoạt động của tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng

Đối với lĩnh vực y tế, nghị quyết nêu rõ: Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế để đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập, vướng mắc, nhất là trong thanh toán, quyết toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là nơi đông dân cư, địa bàn khó khăn, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, thực hiện nghiêm việc bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.

Từng bước khắc phục tình trạng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền, khu vực trong cả nước. Thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản, khu, cụm công nghiệp.

Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp tục thực hiện các dự án, đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong ngành y tế.

Trong năm 2024, có phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động và có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập. Bảo đảm đủ vaccine và duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% đối với tất cả các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Quốc hội cũng giao tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế. Trong năm 2024, nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan bảo hiểm y tế nợ thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Xây 1 triệu căn nhà ở xã hội

Trong phiên làm việc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về nội dung “Khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)” trong lĩnh vực xây dựng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường rằng khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết là giải pháp quan trọng nhằm đưa các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sớm đi vào cuộc sống, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo.

Với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Với lĩnh vực tài chính, trong số các nội dung cần tập trung thực hiện có tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu tài sản công chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm việc khai thác dữ liệu của các cơ quan dân cử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng… là các nội dung được đề cập.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc hội yêu cầu năm 2024 phải hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, tạo việc làm, sinh kế dưới tán rừng; sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng thoát lũ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai bảo đảm an toàn, phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán, văn hóa và sinh kế cho người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục