Thỏa thuận thương mại giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump là sự nhượng bộ đối với Washington và không có ý nghĩa gì đối với tự do thương mại.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã ngày 29/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Petr Bystron nói: “Cho đến nay, thỏa thuận này là đáng lo ngại. Dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tất cả những gì ông ta muốn. Dù đây có là một thỏa thuận tốt đối với EU, việc mua khí đốt và đậu tương của Mỹ vẫn là đáng nghi ngại.”
Theo ông Bystron, Tổng thống Trump hành xử giống một doanh nhân hơn là một chính trị gia. Vì thế, so sánh một cách hình tượng, chính sách thương mại của Nhà Trắng có phần tương đồng với kiểu cao bồi truyền thống của nước Mỹ.
Nghị sỹ Đức cho rằng chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Trump được triển khai qua ba bước: gây áp lực, lập luận ở thế của bên mạnh hơn và cuối cùng mới là đàm phán.
Mặc dù chỉ trích chính sách gây sức ép trong vấn đề thương mại của Mỹ, nghị sĩ Bystron cho biết đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) của ông ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm thuế quan cũng như các rào cản thương mại vì việc EU trợ cấp nông nghiệp cũng như áp các loại thuế đang gây thiệt hại cho các nước đang phát triển ở châu Phi, là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo và áp lực di cư.
[Mỹ và Liên minh châu Âu nhất trí giảm rào cản thương mại]
Trước đó, để tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện, Chủ tịch EC Juncker và Tổng thống Trump ngày 25/7 đã nhất trí cùng nhau giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ không áp thuế đối với ôtô của châu Âu và EU sẽ mua thêm khí hóa lỏng (LNG) và đậu tương của Mỹ./.