Nghiêm cấm buôn bán động vật hoang dã trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán

Công chức, viên chức, người lao động và người dân không được phép tham gia săn, bắt, mua, bán, tiêu thụ, sử dụng các loài động vật hoang dã, đặc biệt là trước và trong Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Hình ảnh chim hoang dã di cư ở trên đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng bị bứt lông rách thịt khi còn sống khiến khách du lịch không khỏi xót xa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; ngăn chặn nạn săn, bắt, tận diệt các loài chim hoang dã di cư.

Với việc ban hành công văn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sự cương quyết của Chính phủ trong việc ngăn chặn nạn săn, bắt và xử lý nghiêm các vi phạm về động vật hoang dã, tăng cường bảo vệ các loài nguy cấp, đặc biệt là trong thời gian nghỉ lễ và trước và trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới tất cả các công chức, viên chức, người lao động, người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; không tiêu thụ, sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp và các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp.

[Tiếng kêu cứu của chim trời Cát Bà: Nỗi đau ai thấu?]

Công chức, viên chức, người lao động và người dân không được phép tham gia săn, bắt, mua, bán, sử dụng các loài chim hoang dã, đặc biệt là trong mùa di cư từ tháng Chín của năm trước đến tháng Tư, tháng Năm của năm sau.

Các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài di cư.

Đặc biệt, các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường kiểm tra tại các khu vực có loài chim di cư xuất hiện; kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại tại các khu vực tâm linh như đình, chùa, đền,… xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện chương trình Vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã từ 2010 - 2020 nhằm ghi nhận các nghiên cứu khoa học, sáng kiến trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã.

Dự kiến, lễ vinh danh sẽ được tổ chức để kỷ niệm ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục