Điều đầu tiên phải khẳng định là "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" chưa được công nhận về mặt tổ chức, phần lớn hoạt động của các điểm nhóm mang danh tổ chức này trong thời gian qua là vi phạm pháp luật, chưa được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trái với thuần phong mỹ tục, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Việc đấu tranh loại bỏ các nhóm này là cần thiết để mang lại bình yên cho mỗi gia đình, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Sinh hoạt tôn giáo trái quy định của pháp luật
Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo việc thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành được tiến hành tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác. Nếu giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký, chức sắc, chức việc, nhà tu hành phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi dự kiến tổ chức.
Việc các đối tượng đi tuyên truyền về “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” tại các địa điểm tập trung chưa có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trái với quy định của pháp luật.
Luật cũng quy định việc truyền đạo, giảng đạo phải do chức sắc, chức việc, nhà tu hành đảm nhiệm. Tuy nhiên, với “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ,” mỗi thành viên đều có thể là một người truyền đạo, với chỉ tiêu được đặt ra cho mỗi người, nên trên nhiều diễn đàn, dư luận gọi đây là nhóm “tôn giáo đa cấp.”
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho biết, du nhập vào Việt Nam năm 2001, ban đầu sinh hoạt của "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" không gây ra vấn đề gì lớn.
Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, một số nhóm có động cơ vụ lợi, đưa ra những lý lẽ ma mị, mê tín cũng như các phương thức, công cụ để mê hoặc, lôi kéo các đối tượng thiệt thòi, dễ tuyên truyền tại một số địa phương, gây ra những vấn đề bức xúc.
Ông khẳng định hoạt động của các nhóm tự xưng “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” tại nhiều địa phương vừa qua là hoạt động vi phạm luật pháp về tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với các nội dung như: ép buộc, mua chuộc người khác; xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi...
Với nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới người tin theo, gia đình của họ và xã hội nên hoạt động của các nhóm này dù bất kỳ dưới hình thức nào cũng chưa được chấp thuận theo quy định của pháp luật.
Cảnh giác trước những luận điệu lôi kéo, dụ dỗ tiêu cực
Từ năm 2016, những hoạt động tiêu cực mang danh “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” ở phía Bắc đã được Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an nắm tình hình và nhận diện.
Ban đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo để mọi người hiểu đúng và chấp hành pháp luật; đồng thời hướng dẫn xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện công tác đấu tranh với số cầm đầu truyền đạo do có những biểu hiện tiêu cực.
Ban Tôn giáo Chính phủ và một số ban, ngành ở địa phương cũng đã tiếp xúc với một số gia đình có người thân tin theo, gặp đối tượng cầm đầu để đấu tranh trực tiếp…
[Các hoạt động vi phạm pháp luật của 'Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ']
Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định các cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, lối sống của người Việt Nam.
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương rà soát, đánh giá, chấn chỉnh hoạt động không hợp pháp của tổ chức 'Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ,' xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” ông nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định các hành vi nghiêm cấm, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, ứng xử chưa phù hợp theo truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà của dân tộc Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp tích cực với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ thực chất hoạt động của các nhóm này, tránh việc người dân bị lôi kéo, làm ảnh hưởng đến đời sống bình thường, quay lưng lại với gia đình, công việc.
“Các đối tượng cầm đầu những nhóm này cần phải gặp gỡ, trực tiếp phân tích phải trái để họ từ bỏ; trường hợp không từ bỏ, vẫn cố tình tụ tập thì xử lý theo pháp luật,” theo Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng.
Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác với các hoạt động dụ dỗ lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc. Đây là những hành vi tuyên truyền trái pháp luật.
Các công tác trên hiện vẫn đang được Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo cho các hoạt động tôn giáo thuần túy, hướng thiện, tuân thủ pháp luật diễn ra bình thường; phê phán và nghiêm trị theo pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, làm lệch chuẩn những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp chung của xã hội, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Ban Tuyên giáo, cơ quan đoàn thể một số tỉnh, thành phố và nhiều trường học cũng đã cảnh báo người dân, học sinh, sinh viên cảnh giác trước những luận điệu lôi kéo, dụ dỗ tiêu cực, kịp thời báo cho cơ quan công an địa phương để có biện pháp ngăn chặn, kịp thời xử lý. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, nhà trường trong trường hợp này đã giúp cho người dân có đầy đủ thông tin để phân biệt thật-giả, đúng-sai trước những hành vi tuyên truyền của "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ."
Việc làm này là cần thiết để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình, giúp người dân có cơ sở để lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp cho mình, đem lại sự bình an, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, xã hội. Tuy nhiên công việc này cần được duy trì thường xuyên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sự chung tay của các tổ chức tôn giáo cũng rất có giá trị trong việc tạo ra một đời sống tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh của xã hội.
Một số tổ chức tôn giáo như Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Giáo hội Công giáo Việt Nam và nhiều chức sắc Tin lành cũng đã lên tiếng phản đối, góp phần giúp dư luận hiểu đúng về những hoạt động tiêu cực trên là phi tôn giáo.
Việc làm này được Ban Tôn giáo Chính phủ hoan nghênh, song, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cũng cũng lưu ý các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo khi lên tiếng phản đối cần tránh gây kỳ thị, phân biệt và xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo chân chính.
Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Điều 24 của Hiến pháp đã quy định “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và khẳng định “mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.”
Tôn giáo luôn hướng con người ta đến cái thiện, làm những điều tốt đẹp. Những hành vi nhân danh tôn giáo nhưng lại dẫn người theo đến nhận thức sai lệch về bản thân, gia đình và xã hội, có hành xử trái với luân thường đạo lý thì không thể là hành vi tôn giáo thuần túy. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật của những cá nhân nhân danh tôn giáo để làm điều phi tôn giáo.
[Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ du nhập vào Việt Nam như thế nào?]
Gần đây, một số cá nhân thiếu thiện chí đã lợi dụng tình hình để cố tình bóp méo sự thật, tuyên truyền xuyên tạc, cho rằng nhà nước vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, cố ý gây mâu thuẫn giữa các tổ chức tôn giáo để ngăn cấm tôn giáo.
Cần khẳng định rằng Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Các cơ quan chức năng của nhà nước cũng nhận thức rõ: Hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân hoặc một nhóm người chưa đủ để kết luận về một tôn giáo. Cũng cần phân biệt giữa sinh hoạt tôn giáo của điểm nhóm này với điểm nhóm khác, tuy cùng tôn giáo nhưng việc thực hành giáo lý khác nhau, mức độ tuân thủ pháp luật khác nhau, tác động đến xã hội khác nhau thì việc xem xét giải quyết theo pháp luật đối với các điểm nhóm này cũng cần có sự khác nhau. Càng không thể vì hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật của các điểm nhóm "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" lần này mà đánh đồng với tất cả Hội thánh có tên gọi tương tự của các tổ chức tôn giáo hợp pháp khác./.