Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có những đặc tính có thể tránh được hệ miễn dịch của vật chủ nhưng cũng ít khả năng xâm nhập vào các tế bào như phế nang phổi, qua đó giảm khả năng gây bệnh.
Dự kiến, kết quả nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí Nature.
Biến thể Omicron được Nam Phi công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2021 và hiện đã lây lan ra trên khắp thế giới với tốc độ nhanh chóng. Theo phân tích, biến thể Omicron chứa hơn 30 đột biến.
[Brazil phát hiện ca nhiễm biến thể 'Omicron tàng hình']
Dữ liệu gần đây cũng cho thấy biến thể Omicron còn có khả năng gây tái nhiễm cao hơn và có thể "né tránh" vaccine. Ngoài ra, những phát hiện gần đây còn cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta.
Nhóm các nhà nghiên cứu trên đã phát hiện các đặc tính sinh học của biến thể Omicron. Do chứa nhiều đột biến, biến thể Omicron có thể làm thay đổi tính kháng nguyên của vật chủ, khiến cơ thể không đáp ứng các liệu pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, cũng như "né tránh" các kháng thể trung hòa có được nhờ vaccine sau khi tiêm hai liều cơ bản.
Tuy nhiên, việc tiêm liều thứ 3 là vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA có thể giúp tăng cường quá trình sinh kháng thể trung hòa, theo đó có thể giúp phòng ngừa biến thể Omicron.
Nghiên cứu cũng cho thấy khả năng xâm nhập vào tế bào, đặc biệt là thụ thể TMPRSS2 (chủ yếu ở phế nang) của biến thể Omicron là khá thấp, qua đó giảm khả năng gây bệnh nặng./.