Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao kiệt xuất của nền cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập và đặt nền móng cho ngành ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã trực tiếp chỉ đạo sát sao công tác đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, từ đó tập hợp được sự ủng hộ của đông đảo lực lượng quốc tế với nhân dân Việt Nam.
Những bài học về ứng xử ngoại giao theo phong cách của Người luôn là những bài học vô giá, là kim chỉ nam cho không chỉ các cán bộ làm công tác đối ngoại thời kỳ cách mạng mà còn cho những thế hệ cán bộ đối ngoại ngày nay bởi những bài học đó luôn mang những giá trị phù hợp với thực tiễn.
Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu hai bài viết về phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thông qua những câu chuyện kể về Bác của những nhà ngoại giao từng được theo chân Bác, trực tiếp lĩnh hội tài ngoại giao của Người, cùng phân tích của những chuyên gia nghiên cứu về tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác ngoại giao.
Bài 1: Những câu chuyện về một nhân cách lớn
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ngoại giao giản dị, nhân văn, kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại, kết tinh văn hóa ứng xử phương Đông và phương Tây.
Thông qua những câu chuyện kể của những người từng may mắn được Bác chỉ dạy, được tận mắt chứng kiến sự tài tình trong ứng xử ngoại giao của Bác, chúng ta càng hiểu thêm về một nhân cách lớn, giản dị mà vô cùng sâu sắc.
Ấn tượng sâu sắc về Bác
Kể lại những câu chuyện về Bác trong niềm xúc động và tự hào, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, người từng có cơ hội được tháp tùng và phiên dịch cho Bác trong một số chuyến công tác nước ngoài, chia sẻ: “Bác Hồ là con người vô cùng khiêm tốn. Ở Bác có sự vĩ đại trong giản dị. Bác không bao giờ sống cuộc đời xa hoa, không bao giờ muốn ai ca ngợi mình cả.”
[Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại Việt Nam]
Nhớ về những kỷ niệm được làm phiên dịch tiếng Hindhi cho Bác năm 1958 khi Người sang thăm Ấn Độ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, khi đó là một phiên dịch viên cho biết: “Ấn tượng sâu sắc và vinh dự to lớn đối với tôi là lần đầu tiên được đọc bài diễn văn của Bác đã dịch sẵn sang tiếng Hindhi. Trong cuộc míttinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, các bạn Ấn Độ làm sẵn một cái ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một cái ngai vàng, rất lớn.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ ngày ấy là Jawaharlal Nehru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Thủ tướng Jawaharlal Nehru mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Bác dứt khoát từ chối.
Thấy vậy, Thủ tướng Jawaharlal Nehru nói: Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi mà. Chứng kiến điều này, hàng vạn người dự míttinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy.
Thủ tướng Jawaharlal Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường rất cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Chuyện này được người Ấn Độ sau đó kể lại rất nhiều, trở thành một huyền thoại của họ về Bác Hồ.
Trong chuyến thăm này có một bữa tiệc do Thủ tướng Jawaharlal Nehru chiêu đãi Bác Hồ với món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm thường không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn.
Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Jawaharlal Nehru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật.
Học Bác từ những điều giản dị
"Trong tôi, ấn tượng lớn nhất về Bác là một người nói đi đôi với làm, một con người hết sức giản dị," nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ cảm giác xúc động, vui sướng khi nhớ lại quãng thời gian may mắn được làm việc với Bác.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sự giản dị của Bác, ai cũng có thể thấy rõ. Mỗi khi có khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam, Bác thường đưa ra nhà sàn, coi như những người bạn thân thiết.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã được Bác tiếp ở nhà sàn. Khi Bác ra nước ngoài, quà của Bác thường là hoa quả trong vườn ở Phủ Chủ tịch, rất giản dị mà gần gũi, chân thành.
Theo đánh giá của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong số các lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Bác là người duy nhất thấm nhuần văn hóa phương Đông và phương Tây.
"Văn hóa ngoại giao của Bác là văn hóa trộn lẫn giữa cái lịch lãm về hình thức của phương Tây và chân thành, thâm thúy của người phương Đông. Đó là điều chúng ta nên học tập Bác. Bởi vì phải có kiến thức văn hóa rất sâu thì Bác mới có thể có cách ứng xử như vậy," nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết.
Dẫn chứng cho điều này, nguyên Phó Thủ tướng nhắc đến một kỷ niệm trong chuyến đi công tác với Bác. Đến dự một cuộc chiêu đãi rất long trọng, người đầu tiên Bác đến chào không phải là lãnh đạo cao cấp nhất của cuộc chiêu đãi đó mà là một người quen biết từ hồi hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Bác đã đến chào bà thư ký trước rồi mới chào những người khác.
Trước khi đến chào, Bác không quên cầm một bông hoa trên bàn đến tặng bà thư ký. Những câu chuyện đó cho thấy Bác là hiện thân của cả nền văn hóa phương Đông và phương Tây một cách rất tự nhiên, bình dị, chân thành.
Kể về câu chuyện Bác chăm học ngoại ngữ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bày tỏ sự khâm phục khi cho biết: “Cả đời tôi chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác. Ở tuổi ngoài 70 mà Bác vẫn trau dồi ngoại ngữ.”
“Có lần tôi đến dịch cho Bác, trong khi chờ khách đến, tôi thấy Bác mở hộp thuốc lá ra, trong hộp có một mảnh giấy, Bác lẩm nhẩm đọc. Khi ấy tôi không dám hỏi, nhưng nghe thì thấy Bác lẩm nhẩm tiếng Nga. Tôi mới hỏi: “Bác vẫn học ạ? Bác trả lời, vì ít dùng tiếng Nga nên Bác quên mất,” ông Vũ Khoan kể.
Nguyên Phó Thủ tướng cho hay, Bác thường để một mảnh giấy trong hộp thuốc, mỗi mảnh giấy ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi lần mở hộp lấy thuốc Bác lại lẩm nhẩm học từ. Mỗi ngày 10 từ, cứ cho là rơi rụng đi thì mỗi ngày Bác cũng học được 5-7 từ.
Cho biết Bác Hồ rất giỏi tiếng Anh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: “Mới đầu nghe nói Bác biết tiếng Anh, tôi nghĩ chắc Bác cũng biết chứ không thạo lắm. Nhưng lần lên dịch ở Phủ Chủ tịch, có nhiều đoàn nước ngoài đến, quay sang đoàn nào Bác nói tiếng nước đó. Khi nghe Bác nói tiếng Anh, tôi mới thấy Bác nói giỏi quá, hay quá.”
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết, tri thức của Bác rất rộng một phần là nhờ vốn ngoại ngữ. Bác biết nhiều ngoại ngữ, đến nước nào là học ngôn ngữ của nước đó: đến Italy học tiếng Italy, đến Đức học tiếng Đức, đến Anh và Mỹ học tiếng Anh.
Trong một lần gặp các quan chức Liên Xô, thậm chí Bác Hồ còn nhắc nhẹ một người phiên dịch về sử dụng từ ngữ chưa phù hợp với hoàn cảnh. “Bản thân tôi cũng từng rút ra kinh nghiệm là dịch cho Bác không nên chơi chữ, vì chữ Nho Bác rất thông thạo, cứ nói đơn giản thôi cho dễ. Ở bên cạnh những con người tài giỏi như vậy, mình học được cách suy nghĩ và tư duy,” nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói.
Mỗi câu chuyện về Bác là một bài học về văn hóa ứng xử của Người. Học Bác, chúng ta học được tác phong giản dị, khiêm tốn của một nhân cách lớn, một con người hết lòng vì dân tộc, vì non sông đất nước./.