Theo Reuters/Sputnik, quan hệ giữa Moskva và Washington đã leo thang căng thẳng, và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ đề chính là Ukraine.
Tại hội đàm, chủ nhân điện Kremlin nhắc nhở về "lằn ranh đỏ," còn ông chủ Nhà Trắng nói đến việc chuẩn bị “gói biện pháp toàn diện” để chống Nga.
Theo hãng tin Reuters, tại hội đàm, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo Tổng thống Putin rằng phương Tây sẽ áp đặt "những biện pháp kinh tế cứng rắn và những biện pháp khác" đối với Nga, nếu Moskva xâm chiếm Ukraine.
Về phần mình, ông Putin yêu cầu Mỹ và phương Tây đảm bảo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng hơn nữa về phía Đông.
Cuộc đối thoại trực tuyến giữa ông Biden và ông Putin hôm 7/12 diễn ra sau khi gia tăng căng thẳng giữa Moskva và phương Tây liên quan đến những hoạt động điều động binh sỹ của Nga đến khu vực biên giới với Ukraine.
Tuy nhiên, giới quan sát viên đều bán tin bán nghi trước ý định của Nga và tự hỏi liệu ông Putin đang chơi một canh bạc lừa bịp để buộc phương Tây, đi đầu là Mỹ, phải nhượng bộ, mà thực ra không dám khơi mào một cuộc xâm lược mới.
Ý đồ của Moskva là đe dọa động binh để buộc Mỹ và Phương Tây bảo đảm Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như buộc Kiev chấp nhận một số điều kiện mà Nga đã đưa ra. Trên thực tế, chủ trương kết nạp Ukraine vào NATO đã bị đóng băng. Thế nhưng, cả Kiev và Washington sẽ không đưa ra cam kết như vậy.
[Lãnh đạo Nga, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đối thoại và gặp lại]
Điện Kremlin cảnh báo sẽ không có được những đột phá nào trong cuộc đối thoại lần này. Tờ Le Figaro của Pháp cho rằng ông Joe Biden vẫn còn nhiều lá chủ bài để đối phó Nga. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng đó là những “giải pháp rất hạn chế của Washington trước các cuộc động binh của Nga ngay trước cửa nhà Ukraine."
Ngoại giao “lằn ranh đỏ”
Thay vì những lời dọa dẫm, chủ nhân Điện Kremlin rất rõ ràng khi đưa ra những “lằn ranh đỏ” về Ukraine. Theo đó, Moskva thẳng thừng tuyên bố không muốn Ukraine gia nhập NATO cũng như việc NATO đến “cắm trại” ở Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí hay nhiều thứ khác.
Thế nhưng, đối với người dân Ukraine, nguồn hậu thuẫn này đóng vai trò thiết yếu, cho phép Kiev đối phó về mặt quân sự với Nga một cách mạnh mẽ hơn so với hồi năm 2014.
Chuyên gia Dmitri Treni, Viện Carnegie ở Moskva, nhận định: “Dù Kiev có gia nhập NATO hay không, nhưng Nga không chấp nhận việc Ukraine biến thành 'hàng không mẫu hạm' neo đậu ngay trước cửa biên giới." Vì vậy, nguyên thủ Nga muốn có được những “thỏa thuận cụ thể” với ông chủ Nhà Trắng về việc NATO không mở rộng sang phía Đông.
Tổng thống Nga Putin hôm 1/12 chỉ ra tình trạng gia tăng căng thẳng ở các biên giới phía Tây và sự cần thiết phải có “những đảm bảo an ninh lâu dài và chắc chắn”, cụ thể là bằng văn bản bởi các nước phương Tây không "giữ lời."
Ông Putin nhấn mạnh: “Tôi hy vọng sẽ không ai nghĩ đến việc vượt qua cái gọi là ‘lằn ranh đỏ’ trong quan hệ với Nga. Còn ‘lằn ranh đỏ’ ở đâu thì chúng tôi sẽ tự xác định trong từng trường hợp cụ thể."
Trong khi đó, hôm 3/12, trước khi rời đi nghỉ cuối tuần ở ngoại ô, ông Biden nhấn mạnh với các phóng viên rằng ông “không công nhận ‘lằn ranh đỏ’ của bất kỳ ai."
Mặc dù không vạch ra "lằn ranh đỏ", song Washington cũng đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn về việc áp đặt những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề đối với chính quyền Putin.
Một trong những biện pháp từng được mệnh danh là "vũ khí hạt nhân" của trừng phạt kinh tế là loại trừ Nga ra khỏi Hệ thống trao đổi thông tin tài chính liên ngân hàng (SWIFT). Đây là một công cụ quan trọng trong tài chính toàn cầu, cho phép các ngân hàng lưu thông tiền tệ.
Theo nhật báo Le Monde của Pháp, việc loại Nga ra khỏi hệ thống này sẽ gây tổn hại rất nhiều cho Moskva, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Vấn đề là Mỹ không thể tự mình đẩy Nga ra khỏi SWIFT vì cơ chế có trụ sở tại Bỉ này liên kết hơn 11.000 ngân hàng và định chế tài chính trên thế giới. Hình thức trừng phạt này đã được gợi lên nhiều lần từ năm 2014 đến nay song đều vấp phải phản ứng dè dặt của một số nước châu Âu do lo lắng về tác hại đến các công ty của họ.
Le Monde nhắc lại rằng ngay từ năm 2019, Thủ tướng Nga lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev đã từng cảnh cáo phương Tây rằng việc loại Nga ra khỏi hệ thống này tương đương với “một lời tuyên chiến."
Nhắm đến Bắc Kinh?
Tại các cuộc đàm phán từ hồi đầu năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã đồng ý gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược mới (còn gọi là START-3).
Chuyên gia Sergei Kislitsyn từ Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) cho rằng khi Mỹ tính đến sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, thì Washington sẽ muốn mở rộng các điều kiện của START-3 theo hướng có lợi cho họ. Vì vậy, hiệp ước mới có thể khác biệt so với hiệp ước hiện tại. Khi đó, các cuộc đối thoại trong tương lai giữa Mỹ và Nga về hiệp ước này sẽ không mang tính song phương nữa.
Một lưu ý thứ hai mà chuyên gia Kislitsyn đề cập là hiện nay NATO đang củng cố lĩnh vực phi quân sự, đặc biệt là an ninh mạng. Trong khi đó, mục tiêu của chương trình củng cố này chủ yếu nhắm đến Bắc Kinh, chứ không phải với Moskva.
Ngoài ra, chính quyền Biden vẫn muốn mở rộng NATO, với sự tham gia của Ukraine, để gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn bộ không gian hậu Xô Viết. Và ở đây, một lần nữa Washington muốn cạnh tranh với Bắc Kinh.
Giải đáp câu hỏi liệu ông Putin muốn gì từ ông Biden trong cuộc hội đàm trực tuyến, chuyên gia Nga Alexandre Baunov nhận định: “Moskva rất muốn có được như những gì ông Biden cam kết với ông Tập Cận Bình: Không lao vào một cuộc xung đột công khai với Bắc Kinh và không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị ở Trung Quốc."
Tuy nhiên, vị chuyên gia Nga này lưu ý: “Không như Trung Quốc, dường như Nga không có được tầm quan trọng cần thiết để có được những hứa hẹn như thế”./.