Ngoại trưởng Hàn Quốc-Mỹ điện đàm về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Ngoại trưởng hai nước Hàn Quốc-Mỹ điện đàm về các vấn đề nóng

Trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc và Mỹ, hai bên đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ để đạt được mục tiêu chung phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng hai nước Hàn Quốc-Mỹ điện đàm về các vấn đề nóng ảnh 1Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: US Embassy in Korea)

Tối 10/7, Ngoại trưởng hai nước Hàn Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm, thảo luận về diễn biến mới nhất trong căng thẳng quan hệ thương mại giữa Seoul và Tokyo, cũng như hoạt động ngoại giao để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap dẫn tuyên bố ngày 11/7 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm kéo dài 15 phút, Ngoại trưởng nước này Kang Kyung-wha đã bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo về các hạn chế của Nhật Bản đối với việc xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao chủ chốt cho Hàn Quốc.

Theo bộ trên, ông Pompeo đã nắm được quan điểm của Seoul khi hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác tăng cường liên lạc ngoại giao Hàn-Mỹ cũng như giữa Hàn-Mỹ-Nhật.

Trong cuộc điện đàm, hai bên đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ để đạt được mục tiêu chung phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao hai nước nhất trí tiếp tục đối thoại bên lề một diễn đàn khu vực tại Thái Lan vào đầu tháng Tám tới.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người kêu gọi Washington can dự nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai đồng minh chủ chốt ở châu Á.

Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo gia tăng sau khi Nhật Bản ngày 4/7 bắt đầu siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình - gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu).

[Hàn Quốc kỳ vọng xung lực mới cải thiện quan hệ liên Triều]

Các công ty Nhật Bản sẽ phải xin cấp phép cho từng hợp đồng xuất khẩu những vật liệu này. Các biện pháp như vậy có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Động thái của Tokyo được cho là nhằm phản đối quan điểm của Seoul trong giải quyết vấn đề đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc phải lao động cưỡng bức trong thời chiến.

Hồi năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản trả tiền bồi thường và quyết định này nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Hàn Quốc.

Trong khi đó, Tokyo luôn khẳng định mọi vấn đề về bồi thường thiệt hại trong thời chiến đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký kết năm 1965.

Trong diễn biến liên quan, ngày 10/7, Phó Chánh văn phòng an ninh quốc gia tổng thống Hàn Quốc, Kim Hyun-chong, đã bất ngờ đến Mỹ để thảo luận với giới chức Washington về các biện pháp nhằm giải quyết căng thẳng giữa Seoul và Tokyo liên quan đến vấn đề thương mại, cũng như cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng dự kiến sẽ khối phục các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về phi hạt nhân hóa trong vài ngày tới.

Dự kiến, ông Kim Hyun-chong sẽ có các buổi làm việc với giới chức Mỹ tại cả Nhà Trắng và Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.