Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thực hiện chuyến công du sáu ngày tới bốn nước ở châu Á để thảo luận với các nhà lãnh đạo khu vực về kinh tế, an ninh, hợp tác chống biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và những tuyên bố chủ quyền gần đây của Trung Quốc.
Trong thông báo đưa ra ngày 9/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết trong chuyến công du từ ngày 13-18/2, Ngoại trưởng Kerry sẽ tới thăm Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Tại Seoul, ông Kerry sẽ cùng với giới chức nước chủ nhà thảo luận về cách thức mở rộng hợp tác trong các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu, trong đó có vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc mới đơn phương thiết lập trên vùng biển Hoa Đông, chồng lấn lên cả vùng ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại Bắc Kinh, các cuộc hội đàm của ông Kerry dự kiến tập trung vào việc hợp tác Mỹ-Trung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và ADIZ.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng sẽ tái khẳng định với các nhà lãnh đạo Trung Quốc thông điệp rõ ràng rằng Washington sẽ theo đuổi quan hệ hợp tác toàn diện, tích cực với Bắc Kinh và hoan nghênh "sự nổi lên hòa bình" của Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò tích cực trong các vấn đề thế giới.
Sau Trung Quốc, Ngoại trưởng Kerry sẽ tới Jakarta để đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp trong cơ chế Đối tác toàn diện Mỹ-Indonesia và gặp Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tại chặng dừng chân cuối cùng ở Abu Dhabi, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ trao đổi với các quan chức cấp cao nước chủ nhà UAE về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực cùng quan tâm, trong đó có tình hình hòa bình Trung Đông và cuộc nội chiến đang giằng xé đất nước Syria.
Đây là chuyến công du châu Á thứ 5 của ông Kerry trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ kể từ khi nhậm chức cách đây hơn một năm.
Chuyến thăm cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống Barack Obama, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Tư để quảng bá và thúc đẩy chính sách "xoay trục an ninh" của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn được công bố từ năm 2011./.