Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông

Phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi nỗ lực chung nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ (S&ED) lần thứ 8, khai mạc sáng 6/6 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi nỗ lực chung nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông.

Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời ông Kerry nêu rõ không thể giải quyết vấn đề trên bằng hành động đơn phương mà phải thông qua luật pháp, ngoại giao và thương lượng. Ông bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này một cách hòa bình.

Về vấn đề này, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu tại Đối thoại nhắc lại quan điểm của Trung Quốc muốn giải quyết giữa các nước có liên quan.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên giải quyết thích đáng các vấn đề "nhạy cảm" và những bất đồng trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước có chung các lợi ích ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau, tăng cường liên lạc, hợp tác trong các vấn đề của khu vực.

Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) tuần trước đưa tin Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, và trước khi tới Bắc Kinh dự Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố rằng nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Washington sẽ coi đó “hành động gây hấn và gây bất ổn.”

Tại Đối thoại, hai bên cũng trao đổi về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6/1 và liên tiếp thử tên lửa đạn đạo sau đó. Về vấn đề này, ông Tập Cận Bình cho rằng hai bên đã có thể duy trì sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác trong việc giải quyết các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Về kinh tế, nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ hành động nhằm giảm tình trạng sản xuất dư thừa, đồng thời cảnh báo căng thẳng ngoại giao có thể ảnh hưởng tới các quan hệ thương mại giữa hai bên.

Trong phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh việc thực hiện các kế hoạch giảm tình trạng sản xuất dư thừa, đặt biệt là thép và nhôm, gây ảnh hưởng xấu tới các thị trường toàn cầu.

Trung Quốc đầu năm nay đã thông báo kế hoạch cắt giảm quy mô các công ty nhà nước sản xuất thép và khai thác than đá. Tuy nhiên, các kế hoạch tương tự trong lĩnh vực khác như nhôm, thủy tinh và năng lượng mặt trời vẫn chưa được công bố.

Bắt đầu nhóm họp từ năm 2009, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên được coi là diễn đàn quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Mỹ để giảm căng thẳng và mở rộng hợp tác song phương thông qua đối thoại trực tiếp về một loạt vấn đề liên quan đến an ninh và kinh tế.

Trong hai ngày Đối thoại lần này, cùng với các chủ đề nóng như Biển Đông và hạt nhân Triều Tiên, hai bên cũng thảo luận một loạt vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, hợp tác thương mại và kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.