Ngoại trưởng Nga: Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/12 cho biết Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ để có được những bảo đảm của Washington đối với an ninh của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Nga: Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ ảnh 1Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ bên lề cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng các nước thành viên OSCE tại Vienna (Áo). (Nguồn: TASS)

Các hãng thông tấn Nga đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/12 cho biết Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ để có được những bảo đảm của Washington đối với an ninh của Bình Nhưỡng.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, ông đã chuyển nguyện vọng như trên của Bình Nhưỡng tới Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi hai ông hội đàm bên lề cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo).

Ông Lavrov nói: "Chúng tôi hiểu rằng điều mà Triều Tiên mong muốn nhất là đàm phán với Mỹ về những đảm bảo cho an ninh của Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ điều đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia xúc tiến những cuộc đàm phán như vậy. Các đối tác Mỹ của chúng tôi, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, đã lắng nghe điều đó."

Trước đó hôm 5/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov khẳng định nước này có nhiều kênh liên lạc với Triều Tiên và Moskva sẵn sàng gây ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Katina Adams nói rằng chính quyền Washington vẫn mong muốn giải pháp ngoại giao hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

[Quan chức cấp cao Nga: Triều Tiên không muốn gia tăng căng thẳng]

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình Bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng hồi cuối tháng trước đã tiến hành vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mới.

Theo tuyên bố chính thức của Triều Tiên, tên lửa này "có tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ," là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên. Hwasong-15 đã bay 950 km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.