Ngoại trưởng Nhật-Nga tìm cách thúc đẩy đối thoại hòa bình

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov dự kiến sẽ thảo luận tại cuộc họp đầu tiên ở Moskva, hướng tới ký kết một hiệp ước hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Ngoại trưởng Nhật-Nga tìm cách thúc đẩy đối thoại hòa bình ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng Kyodo, Nhật Bản và Nga sẽ tìm cách "thổi luồng gió mới" vào các cuộc đàm phán hướng tới ký kết một hiệp ước hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước.

Sau khi được lãnh đạo hai nước chỉ định giám sát các cuộc đàm phán hoà bình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov dự kiến sẽ thảo luận về những mối lo ngại của nhau tại cuộc họp đầu tiên diễn ra ở Moskva.

Cuộc họp này nhằm đặt nền móng cho một cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra cuối tháng này giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, sau khi 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy đàm phán dựa trên tuyên bố chung 1956.

Tuyên bố chung 1956 đề cập đến việc Liên Xô (cũ) chuyển giao 2 trong số 4 đảo đang tranh chấp ngoài khơi Hokkaido - nhóm đảo nhỏ Shikotan và Habomai - cho Nhật Bản nhằm tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình.

[Nhật Bản-Nga đàm phán hiệp ước hòa bình trong không khí yên bình]

Việc ông Abe và ông Putin hồi tháng 11/2018 đã nhất trí về đàm phán dựa trên cơ sở tài liệu 1956 đã dẫn đến quan điểm rằng Nhật Bản sẽ tập trung trước hết vào việc chuyển giao 2 hòn đảo đang do phía Nga kiểm soát, bất chấp chính sách truyền thống của nước này là tìm cách giải quyết tình trạng của cả 4 hòn đảo.

Ông Abe đã ưu tiên giải quyết tranh chấp ngoại giao tồn đọng từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II và ký kết một hiệp ước hòa bình với Nga bằng cách giải quyết bất đồng, trong đó có các hòn đảo.

Ông Abe đã thực hiện 24 cuộc họp thượng đỉnh với ông Putin và được cho là đang tìm kiếm một thỏa thuận lớn vào tháng 6 tới khi ông Putin thăm Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại thành phố Osaka.

Trước thềm cuộc họp giữa 2 vị ngoại trưởng, các quan chức chính phủ Nhật Bản tỏ ra thận trọng để không tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán đang tiến triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.