Ngoại trưởng Trung Quốc tìm cách "làm ngọt viên thuốc đắng"

Chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc đến Italy, Đức, Pháp, Hà Lan và Na Uy nhằm tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với EU.
Ngoại trưởng Trung Quốc tìm cách "làm ngọt viên thuốc đắng" ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo tại Rome, Italy, ngày 25/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa có chuyến công du các nước châu Âu đầu tiên kể từ đầu năm nay, với các điểm dừng chân là Italy, Đức, Pháp, Hà Lan và Na Uy.

Trang mạng interaffairs.ru phiên bản tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Nga mới đây đăng bài phân tích của Tiến sỹ khoa học chính trị Vladimir Petrovsky cho rằng mục đích chính của chuyến công du là tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU), cũng như chống lại các nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một liên minh chống Trung Quốc ở châu Âu.

Theo Tiến sỹ Petrovsky, hai mục tiêu này có sự liên quan đặc biệt, nhất là trong bối cảnh gần đây các bài báo của tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc nói rằng thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng tăng (kéo theo đó là nguy cơ vỡ nợ) ở Mỹ có thể khiến Bắc Kinh bán tới 200 tỷ USD trái phiếu của chính phủ Mỹ. Nếu điều này xảy ra và một "cơn bão tài chính" bùng nổ, sẽ có rất nhiều thứ được quyết định bởi lập trường của các nước châu Âu.

Italy là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Vương Nghị, và đây không phải là lựa chọn ngẫu nhiên. Italy là nước đầu tiên trong số các nước G7 tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Bắc Kinh kỳ vọng rằng Rome sẽ tiếp tục phản đối việc Mỹ gây sức ép để cản trở dự án này.

Ngoài ra, Trung Quốc đặc biệt chú ý đến tình hình liên quan đến Huawei, trong bối cảnh các nước châu Âu có thể từ chối cho tập đoàn này xây dựng cơ sở hạ tầng 5G tại nước họ trước sức ép từ Mỹ.

Theo Tiến sỹ Petrovsky, một vấn đề khác mà Trung Quốc quan tâm là phản ứng của châu Âu đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong và lập trường của EU đối với "trách nhiệm" của Trung Quốc trong giai đoạn đầu bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Bắc Kinh đặt kỳ vọng vào hợp tác lâu dài với EU, nhưng điều này là không thể nếu không có sự tham gia của cái gọi là "châu Âu cũ." Về phía các nước Trung và Đông Âu (định dạng 17 + 1), họ tỏ ra rất quan tâm đến việc tham gia BRI, mong muốn nhận được các khoản đầu tư của Trung Quốc để nâng cao tiềm năng sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần.

Tuy nhiên, rõ ràng là các quốc gia này, đặc biệt là Ba Lan và các nước Baltic, rất dễ bị tổn thương bởi áp lực địa chính trị và kinh tế từ chính quyền hiện tại của Mỹ, vốn có ý định tạo ra một “mặt trận thống nhất chống Trung Quốc." Do đó, Tiến sỹ Petrovsky nhấn mạnh rằng có lẽ Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn trong việc phát triển định dạng “17+1," trong khi “châu Âu cũ” sẽ trở thành ưu tiên cao hơn.

[Trung Quốc-châu Âu: Bắc Kinh tìm kiếm những người bạn]

Chặng dừng chân cuối cùng trong hành trình của ông Vương Nghị là Đức, một đối tác thương mại và cũng là nhà xuất khẩu công nghệ lớn nhất sang Trung Quốc (đồng thời còn đang là Chủ tịch EU).

Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc và EU không phải là đối thủ mà là đối tác, đồng thời kêu gọi phía Đức nỗ lực hết sức để hoàn tất thành công các cuộc đàm phán và ký kết một hiệp định đầu tư toàn diện song phương vào cuối năm nay.

Cũng cần lưu ý rằng sự xuống cấp trong mối quan hệ Mỹ-Trung đang tạo ra một bầu không khí tiêu cực không thể tránh khỏi cho chuyến công du châu Âu của ông Vương Nghị.

Ngoại trưởng Trung Quốc tìm cách "làm ngọt viên thuốc đắng" ảnh 2Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) tại cuộc gặp ở Berlin, Đức, ngày 1/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này khi phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI). Đề cập về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, ông Vương Nghị nêu bật ba điểm chính:

Thứ nhất, những bất đồng Trung Quốc và Mỹ không phải là một cuộc tranh giành quyền lực, tranh giành địa vị hay mâu thuẫn về hệ thống xã hội. Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở sự lựa chọn giữa ủng hộ chủ nghĩa đa phương hay chủ nghĩa đơn phương, hợp tác đôi bên cùng có lợi hay trò chơi có tổng bằng không.

Thứ hai, theo ý kiến của ông Vương Nghị, nội dung chính sách ngoại giao của Mỹ hiện nay đã được rút gọn thành các biện pháp trừng phạt đơn phương và công kích bôi nhọ. Ông nói: “Đối mặt với những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ, phía Trung Quốc rõ ràng phải dựa trên thực tế và đưa ra lời đáp trả thích đáng."

Thứ ba, cánh cửa đối thoại Trung-Mỹ vẫn rộng mở.

Có thể nói, chuyến công du châu Âu của ông Vương Nghị không hẳn là bước đi ngoại giao duy nhất của Trung Quốc theo hướng châu Âu. Mới đây, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã đến thăm Tây Ban Nha để thảo luận với Thủ tướng Pedro Sanchez về một kế hoạch mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương, đã được nhất trí vào năm 2018.

Tiến sỹ Petrovsky kết luận: “Mục đích của những chuyến công du châu Âu liên tiếp này là gì? Phải chăng Trung Quốc muốn tìm hiểu điều gì đang chi phối nền chính trị châu Âu hiện nay: lợi ích kinh tế-thương mại hay những chiến dịch gieo rắc hoang mang địa chính trị chống Trung Quốc? Đâu sẽ là 'sự lựa chọn của châu Âu' - chính trị thực dụng hay nỗi ám ảnh ý thức hệ mà phần lớn bị áp đặt từ bên ngoài? Câu trả lời chắc chắn sẽ khó có thể được tìm ra trong tương lai gần”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.