Ví, Giặm là lối hát dân dã, được các cộng đồng dân cư ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gọi chung là xứ Nghệ, sáng tạo và truyền thụ trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, hay cũng được gọi là Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ, được Ủy ban UNESCO chính thức công nhận là “Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại” vào tối 27/11/2014, tại Paris, Pháp, cùng với 34 di sản khác của thế giới.
Theo các nguồn tư liệu, Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ phát triển mạnh ở giai đoạn thế kỷ 17-18. Từ thế kỷ 19 đến giữ thế kỷ 20, Dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi và hình thành một số trung tâm có sự tham gia tích cực của các nhà nho, trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Bùi Chính Lộ, Đặng Văn Bá…
Ngôn ngữ của Ví, Giặm mộc mạc, dân dã, mang hơi thở cuộc sống hàng ngày của vùng đất với những thổ ngữ, tiếng địa phương xứ Nghệ, tạo nên một hệ thống ca từ phong phú, đặc sắc vào loại bậc nhất trong kho tàng dân ca Việt Nam.
Tiếng Nghệ là một loại vỏ ngữ âm kèm theo giá trị ngữ nghĩa hoàn toàn khác biệt so với các vùng địa phương khác của Việt Nam.
Theo ngôn ngữ học, tiếng Nghệ là một thứ tiếng cổ, nhiều từ được coi là phương ngữ trong tiếng Nghệ thực ra là những từ tiếng Việt cổ còn lưu lại.
Ngày nay, tiếng Nghệ đã được phổ thông hóa nhiều, nhưng trong Ví, Giặm vẫn lưu giữ cả kho từ cổ vô cùng phong phú và đầy tính biểu cảm.
[Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh]
Hàng loạt từ ngữ rất cổ của tiếng Việt được sử dụng trong Ví, Giặm như chiềng (thưa/trình), mần (làm), dức lác (rầy la), dóng (đặt), dứt lắc (bứt quách), chợm (sướng), sương (gánh), tráo (đi trở lại), đòn noi (tấm ván), trấp (mắc/bận), trặc (lấy), nhéo (trêu ghẹo), tróng (thòng lọng), van (kêu), ngăm (doạ), ràn (chuồng), trọt (chỗ trũng ở cánh đồng), chỉn (chỉ), răng giừ (bao giờ), răng nấy (bao nhiêu), nỏ (không), rứa hè (thế nhé), vô kể (nhiều), bựa ni/bựa rày (hôm nay)…
Chẳng hạn:
Trời mần (làm) một trộ (trận) mưa dông
Củ nu (nâu) nặng gánh, đò không sang đò (Hát Ví).
Hay:
Tau (tôi) trôi nhà trôi cựa (cửa)
Mi (mày) nỏ (không) dòm ngó thì thôi
Rọng (ruộng) tau có kẻ xin rồi
Tru (trâu) mi bựa ni (hôm nay) tau lấy
Bò mi bựa rày (hôm nay) tau lấy (Hát Giặm).
Tính chất cổ của ngôn từ Ví, Giặm còn được thể hiện ở hàng loạt từ láy phương ngữ Nghệ Tĩnh như lọng khọng (rất cao), lộ mộ (thưa thớt), xóng nóng (nấn ná), trăn triu (keo cú), khăn khắn (lo lắng), hởn hởn (tươi tốt), hoang đàng (lười biếng), thúc thích (từ từ), chờm chợ (lui tới), thiu thiu (nhỏ bé, rất nhỏ), lúc ngúc (dáng điệu chậm chạp), ngạ nghề (no say), ngao ngán/ngơ ngẩn (rất nhiều), lật lưởng lật lờ (không chắc chắn)…
Chẳng hạn:
Mới đến chơi một bựa (bữa)
Cơm rượu thịt ngạ nghề (no say)
Cho cái bánh cắp về
Tưởng rứa (thế) là đã chợm (sướng) (Hát Giặm).
Hay:
Trúc xinh trúc mọc trên đời
Măng non hởn hởn (tươi tốt, non tơ) đợi người tài hoa (Hát Ví).
Sự biến đổi của hàng loạt âm chính trong tiếng Nghệ-Tĩnh so với tiếng Bắc Bộ có tính hệ thống, đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong phát âm, tạo nên đặc trưng giọng Nghệ, tiếng Nghệ và đó cũng là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng vùng miền trong Ví, Giặm, làm cho dân ca vùng này không thể trộn lẫn với các vùng khác.
Có thể nói Dân ca Ví, Giặm thể hiện tính địa phương cao độ, cho phép biểu đạt tối đa về tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ địa phương mà chưa có loại dân ca nào ở Việt Nam lại mang đậm chất phương ngữ, thổ ngữ như vậy.
Dân ca Ví, Giặm có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi có lối hát vừa mang tính ngẫu hứng linh hoạt, uyển chuyển, vừa có tính lề lối quy cách bài bản.
Dân ca Ví, Giặm là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống người dân, là bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ. Người dân xứ Nghệ hát Ví, hát Giặm ở mọi lúc, mọi nơi, khi ru con, đan lát, dệt vải, lúc làm ruộng, chèo thuyền, xay lúa...
Một cách tự nhiên nhất, hát Ví, Giặm trở thành phương tiện nghệ thuật phổ biến để người dân giãi bày tâm tư, tình cảm; để trai gái thể hiện tình yêu đôi lứa; cộng đồng thể hiện sự gần gũi, gắn kết; con người thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Dân ca Ví, Giặm được cải biên thành những bài vè, đối ca, hoạt ca, trở thành công cụ hữu hiệu để cổ vũ, động viên tinh thần của bộ đội, dân quân và nhân dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đây là loại hình sinh hoạt văn nghệ không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn xướng, không cần đến nhạc cụ, đạo cụ, trang phục phức tạp, có thể được thực hành bởi cá nhân hoặc tập thể, từ các nhóm nhỏ đến trình diễn trước đông đảo công chúng… Do vậy, Dân ca Ví, Giặm dễ được tiếp nhận và phổ biến, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng./.