Nước Mỹ đang ngày càng "đổ" nhiều tiền của đầu tư cho nghiên cứu y học, song trái ngược với thực tế đó, ngày càng có ít loại thuốc mới được phê chuẩn và tuổi thọ người dân cũng không tăng so với cách đây hơn nửa thế kỷ.
Đây là kết luận đáng chú ý của các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences số ra ngày 17/8.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Đại học Johns Hopkins đã tiến hành phân tích dựa trên số liệu về ngân sách dành cho các hoạt động nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH), số lượng các nghiên cứu khoa học được công bố, số lượng thuốc mới được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành, cũng như tuổi thọ trung bình của người dân.
Kết quả cho thấy kể từ năm 1965 đến nay, số nhà khoa học ở Mỹ đã tăng gấp 9 lần, trong khi ngân sách dành cho NIH cũng tăng 4 lần (lên khoảng 30 tỷ USD năm 2015).
Tuy nhiên, số thuốc mới được FDA cấp phép chỉ tăng gấp hai lần, và tuổi thọ của người dân cũng không cải thiện trong giai đoạn so sánh.
Theo các nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân khiến nền y học Mỹ gần như "giậm chân tại chỗ" trong nhiều thập kỷ qua, trong đó phải kể những thủ tục và quy định rườm rà làm kéo dài gấp đôi thời gian nghiên cứu của các nhà khoa học, cũng như việc quá chú trọng việc đăng tải kết quả nghiên cứu trên các tạp chí danh tiếng.
Trước những ý kiến cho rằng các thách thức đối với nghiên cứu y học ngày nay phức tạp hơn trước, giáo sư Arturo Casadevall - đồng tác giả nghiên cứu, phản biện nhiều loại thuốc tốt được sử dụng hiện nay đã được phát triển từ hàng chục năm trước, ví dụ insulin trong điều trị bệnh béo phì và thuốc điều hòa hoạt động của tim trong điều trị các bệnh tim mạch.
Một công trình nghiên cứu công bố trước đó cũng cho thấy Chính phủ Mỹ và các tổ chức tư nhân đã thiệt hại hơn 28 tỷ USD mỗi năm vì đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu y học mà không thu được kết quả./.