Người biểu tình Thái quyết lật Thủ tướng Yingluck vào 1/12

Các nhóm biểu tình Thái Lan cùng thống nhất đẩy mạnh các nỗ lực nhằm buộc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải nhường chỗ. 
Người biểu tình Thái quyết lật Thủ tướng Yingluck vào 1/12 ảnh 1Thủ tướng Yingluck Sinawatra tuyên bố sẽ không lùi bước (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tối 29/11, thủ lĩnh biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban cho biết những người biểu tình sẽ chiếm giữ tòa nhà chính phủ và một số cơ quan nhà nước khác vào 1/12 sau đó hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sẽ xuống đường biểu tình vào ngày hôm sau.

Tuyên bố này được đưa ra khi các nhóm biểu tình cùng thống nhất đẩy mạnh các nỗ lực nhằm buộc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải nhường chỗ. 

Ông Suthep còn cao hứng tuyên bố chiến thắng sẽ thuộc về những người biểu tình vào đêm 1/12.

Tuy nhiên, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã quyết không lùi bước và tuyên bố sẽ không tổ chức bầu cử sớm.

Ông Suthep đã vạch ra kế hoạch rằng những người biểu tình sẽ tập trung từ sáng và sau đó họ sẽ giành các mục tiêu như Phủ thủ tướng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Nha cảnh sát Bangkok, các bộ Giáo dục, Lao động, Nội vụ, Thương mại và Ngoại giao. Cục quan hệ công chúng cũng sẽ nằm trong mục tiêu tấn công.

Theo ông Suthep, việc chiếm giữ các cơ quan công quyền này là nhằm mục tiêu ngăn cản công chức, viên chức làm việc để tiến tới loại bỏ chính quyền hiện nay. 

Chỉ có các Tòa án Hành chính, Tòa án Hiến pháp và lực lượng quân đội mới được phép vào trụ sở làm việc.

Ông Suthep cũng giới thiệu với người biểu tình việc thành lập một nhóm mới gọi là Ủy ban nhân dân vì sự thay đổi của Thái Lan để trở thành dân chủ hoàn toàn dưới chế độ quân chủ lập hiến. Ủy ban này gồm 37 thành viên và ông Suthep làm tổng thư ký.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Sinawatra tuyên bố nước này sẽ không tổ chức bầu cử sớm để chấm dứt làn sóng biểu tình chống chính phủ đã kéo dài sang ngày thứ 6.

Trả lời Jonathan Head, phóng viên BBC khu vực Đông Nam Á tại Bangkok, bà Yingluck nói: "Nếu chúng tôi tổ chức bầu cử, chúng tôi phải hỏi xem liệu những người biểu tình có thỏa mãn với điều đó hay không. Tình hình hiện nay rất nhạy cảm. Điều này không có nghĩa là chính phủ đang lùi bước, tôi nghĩ là chúng tôi vẫn giữ được vị trí và quan điểm của mình. Hãy để cảnh sát tiến từng bước một, bước đầu tiên là đàm phán, thỏa thuận. Nếu bước đàm phán không thành, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Cứ để mọi người hoạt động và hãy kiên nhẫn với tình thế".

Bà Yingluck đã ban hành các luật đặc biệt cho phép giới nghiêm và phong tỏa đường xá. Cảnh sát cũng đã ra trát bắt thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nhưng chưa bắt giữ ông./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục