Người dân Afghanistan đổ xô về khu vực biên giới tìm cơ hội di tản

Hơn 123.000 người đã được sơ tán khỏi Kabul trong chiến dịch giải cứu do Mỹ đứng đầu, song vẫn còn hàng chục nghìn người Afghanistan đang kẹt lại tại nước này sau thời hạn chót ngày 31/8.
Người Afghanistan dựng lều tạm tại khu vực cửa khẩu Chaman, biên giới Pakistan-Afghanistan ngày 24/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Rất đông người Afghanistan đang tập trung ở các khu vực biên giới nhằm tìm cách rời khỏi đất nước, trong bối cảnh lực lượng Hồi giáo Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan và cộng đồng quốc tế đang cân nhắc các giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Tây Nam Á này.

Hiện, Taliban đang tập trung vào việc đảm bảo cho các ngân hàng, bệnh viện và bộ máy chính quyền hoạt động sau khi các lực lượng quốc tế đã rút toàn bộ binh sỹ khỏi Afghanistan, đồng thời chấm dứt công tác di tản những người Afghanistan đã từng hỗ trợ các nước phương Tây trong suốt 20 năm qua.

Hơn 123.000 người đã được sơ tán khỏi Kabul trong chiến dịch giải cứu do Mỹ đứng đầu.

Tuy nhiên vẫn còn hàng chục nghìn người Afghanistan vẫn đang kẹt lại tại nước này sau thời hạn chót là ngày 31/8 vừa qua.

Với việc sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul không còn hoạt động, các nước đang triển khai những nỗ lực riêng nhằm hỗ trợ người Afghanistan sơ tán theo tuyến hành lang an toàn dọc biên giới với Iran, Pakistan và các quốc gia Trung Á.

Tại Torkham, cửa khẩu biên giới giữa Afghanistan và Pakistan, một quan chức của Pakistan cho biết: "Rất đông người đang chờ để được phía Afghanistan mở cửa khẩu."

Trong khi đó, hàng nghìn người cũng đổ về cửa khẩu biên giới Islam Qala giữa Afghanistan và Iran.

[Tổng thống Mỹ nhận trách nhiệm về chiến dịch sơ tán khỏi Afghanistan]

Trong nghị quyết đầu tiên về vấn đề Afghanistan thông qua ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã hối thúc Taliban cho phép người dân Afghanistan được rời đất nước một cách an toàn, song không đề cập đến việc tạo ra một hành lang an toàn như Pháp và các nước khác đã đề xuất.

Mỹ cho biết Washington sẽ sử dụng "đòn bẩy" khổng lồ của mình, bao gồm quyền tiếp cận thị trường toàn cầu, đối với Taliban nhằm đưa các công dân Mỹ và những đồng minh còn lại rời khỏi Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút quân.

Trong khi đó, nước Đức ước tính có khoảng 10.000 đến 40.000 người Afghanistan hiện làm việc cho các tổ chức phát triển ở Afghanistan có quyền được sơ tán đến Đức, nếu họ có nguyện vọng.

Trong một phát biểu ngày 1/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này "mang nợ lớn" với những người Afghanistan đã làm việc cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông đồng thời khẳng định chính phủ sẽ có "những sự hỗ trợ thiết yếu" để người Afghanistan có thể tái định cư tại Anh. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn hàng nghìn người Afghanistan từng hỗ trợ NATO và có đủ điều kiện để tới Anh theo diện "Di dời và Chính sách Hỗ trợ" đang kẹt lại Afghanistan.

Theo số liệu do Chính phủ Anh công bố, nước này đã sơ tán được hơn 8.000 người Afghanistan. Họ sẽ được cấp quy chế sinh sống tại Anh, được hỗ trợ về giáo dục cũng như các dịch vụ y tế.

Thủ tướng Johnson nêu rõ các chính sách của Anh "sẽ mang lại cho người Afghanistan sự chắc chắn và ổn định để xây dựng lại cuộc sống của họ với các quyền không hạn chế để làm việc và tùy chọn khả năng xin quốc tịch Anh trong tương lai"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục