Người dân cần cẩn trọng với dông sét trong giai đoạn chuyển mùa

Trong thời gian còn lại của năm 2021, dự báo tháng 10 sẽ là giai đoạn có nhiều khả năng xảy ra dông sét nhất vì đây là giai đoạn chuyển mùa.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. (Ảnh: K.Trung)

Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông trên cao, từ đêm 14 đến sáng 16/9, một số tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa to kèm dông sét. Riêng tại thành phố Hà Nội, có 2 người đã không may bị sét đánh chết khi đang chạy xe máy tại huyện Gia Lâm.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia xung quanh hiện tượng thời tiết nêu trên cũng như đưa ra phương án phòng tránh khi xảy ra dông sét.

Tháng 10 xảy ra nhiều dông sét

Đầu tiên, xin ông cho biết xu thế mưa và tình hình dông sét trong các tháng còn lại của năm 2021?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Trong thời gian còn lại của năm 2021, dự báo tháng 10 sẽ là giai đoạn có nhiều khả năng xảy ra dông sét nhất vì đây là giai đoạn chuyển mùa, từ mùa nóng sang mùa lạnh đồng thời đây cũng là tháng dự báo mưa, bão sẽ dồn dập ở miền Trung.

Ngoài ra, trong mùa Đông, các đợt không khí lạnh tràn xuống cũng sẽ kèm theo khả năng xảy ra dông, sét và mưa đá.

Vậy cao điểm của dông sét thường sẽ xảy ra nhiều vào tháng nào, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Cao điểm của dông sét thường xảy ra vào mùa Hè và các tháng chuyển mùa. Đó là từ tháng 4 đến tháng 10. Dông, sét thường xảy ra trong các cơn mưa trong mùa hè và mùa mưa trên toàn quốc.

Ngoài ra, dông, gió giật và sét còn có thể xảy ra khi có không khí lạnh trong mùa đông ở miền Bắc.  

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Với Hà Nội, ông dự báo ở xu thế trên thế nào?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Hà Nội cùng nằm trong xu thế chung của miền Bắc.

Thông thường, dông sét xảy ra nhiều trong các tháng chuyển mùa và mỗi khi có mưa dông do các hình thế thời tiết khác nhau gây ra trong mùa hè và mùa Đông.

Người dân cần lưu ý gì?

- Được biết, trong ngày 15/9, tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã xảy ra trận mưa giông kèm với sấm sét khiến 2 người tử nạn. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng nguy hiểm này?

[Hà Nội: Đôi nam nữ tử vong trên đường về quê do bị sét đánh]

Ông Hoàng Phúc Lâm: Dông kèm theo sét, gió giật là các hiện tượng thiên tai nguy hiểm đến tính mạng con người nên cần thực hiện các biện pháp phòng, tránh mỗi khi có mưa dông kèm theo sét và gió giật.

- Vậy từ sự cố trên, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có khuyến nghị gì với người dân Hà Nội cũng như các khu vực khác trên cả nước?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Để chủ động có phương án phòng tránh dông sét, theo chúng tôi, khi trời sắp xảy ra dông (mây đen, không khí lạnh, gió), người dân cần vào nhà trú mưa.

Khi ở trong nhà, người dân nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện.

Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy, người dân cần tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là một mét.

Trường hợp khi đang ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, người dân cần phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, các vùng đất trống trải, vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người; không đứng, ngồi cạnh cột điện, hoặc đường dây tải điện vì đây cũng là những nơi dễ bị sét đánh./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục