Người dân chật vật lấy nước trong khi công trình cấp nước bỏ hoang

Công trình nước sạch tại xóm Trám, xã Gia Mô, để cung cấp nước sạch phục vụ hơn 500 hộ dân của 5 xóm, bị bỏ hoang trong khi người dân chật vật lấy nước từng ngày.
Các hạng mục của công trình nước sạch này như bể chứa, bể lắng, bể lọc nước và nhà điều hành vẫn còn nguyên vẹn. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Gia Mô là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, người dân của xã chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào nghề nông.

Đặc biệt, Gia Mô là địa bàn thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách cần phải sớm giải quyết, chính quyền địa phương đã xây dựng công trình nước sạch.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, công trình này bị bỏ hoang trong khi người dân chật vật lấy nước từng ngày.

[Lâm Đồng: Nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn không hoạt động]

Năm 2010, công trình nước sạch được đầu tư xây dựng tại xóm Trám, xã Gia Mô để cung cấp nước sạch phục vụ hơn 500 hộ dân của 5 xóm là Rên, Trám, Gia Phú, Đừng và Trang.

Tổng chiều dài hệ thống đường ống dẫn nước đến các xóm trên gần 25km, kinh phí đầu tư công trình hơn 3 tỷ đồng.

Năm 2011, công trình hoàn thành, đưa vào hoạt động. Giai đoạn đầu, công trình đã cung cấp nguồn nước ổn định, giá thành hợp lý cho nhân dân.

Đến tháng 5/2016, sự cố xảy ra, máy bơm nước bị cháy, công trình nước sạch dừng hoạt động từ đó đến nay.

Hệ thống máy bơm nước đã ngừng hoạt động, cũ và gỉ sét. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hơn 6 năm nay, hàng trăm hộ dân xã Gia Mô rơi vào cảnh thiếu nước sạch triền miên.

Để có nước sinh hoạt, người dân phải tự kéo nước từ các mó nước khan hiếm, cũng như không đảm bảo vệ sinh.

Công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ đang bị bỏ hoang, thiết bị han gỉ, mục nát xuống cấp, hoang hóa, cỏ dại um tùm, gây lãng phí nghiêm trọng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Gia Mô Bùi Văn Vượng cho biết khi công trình đi vào hoạt động, xã đã thành lập tổ vận hành tại chỗ.

Tuy nhiên, khi công trình xuống cấp, xã không đủ kinh phí để sửa chữa, đành nhìn công trình nằm bất động.

Ông Bùi Văn Vượng chia sẻ người dân tìm đủ mọi cách để có nước sinh hoạt hàng ngày.

Hộ mua ống kéo nước hàng cây số từ mó nước, khe suối về nhà. Hộ khá giả hơn, đào được giếng.

Trước thực trạng người dân thiếu nước nhưng công trình bỏ hoang, Ủy ban Nhân dân xã đã nhiều lần làm tờ trình gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc để sửa chữa.

Thế nhưng, nhiều năm qua, công trình nước sạch vẫn chưa một lần được kiểm tra khắc phục.

Hệ thống bơm bên trong nhà điều hành. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Khảo sát tại một con suối trên địa bàn xã Gia Mô vào thời điểm này, suối đã cạn trơ đáy, chỉ còn hàng chục ống nước tiô nằm chỏng chơ khắp nơi.

Hơn 100 hộ của xóm Rên chia thành hai khu dân cư, một khu ở dọc theo đường Tỉnh lộ 436, khu còn lại ở dưới chân dãy núi Trường Sơn.

Người dân của xóm đang gồng mình chống chọi với khô hạn kéo dài đã nhiều tháng qua, các mó nước đều cạn trơ đáy.

Thời điểm này, bể chứa, bể lắng, bể lọc nước và nhà điều hành công trình nước sạch vẫn nguyên vẹn nhưng vì bỏ hoang đã lâu nên cỏ dại mọc um tùm, trong khuôn viên của công trình, người dân đã tận dụng làm nơi chứa phân chuồng.

Trao đổi với phóng viên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc Đinh Công Thao cho biết qua quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đường ống của công trình nước sạch tại xã Gia Mô đã bị hư hỏng.

Tuy nhiên, các đầu mối của công trình cơ bản vẫn ổn. Phòng sẽ kiểm tra lại thông tin, báo cáo với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tân Lạc để khắc phục, sửa chữa công trình, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Đặng Trung Thành cho biết công trình sau khi hoàn thành đã được bàn giao cho huyện Tân Lạc quản lý vận hành khai thác. Do vậy, các hoạt động sử dụng sau này, Trung tâm không nắm được.

Công trình nước sạch vệ sinh nông thôn với giá trị đầu tư hàng tỷ đồng, là công trình thiết thực đối với đời sống của hàng nghìn người dân nhưng chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn rồi bị bỏ hoang, đang gây lãng phí tài sản công, cũng như bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Chính quyền huyện Tân Lạc, cùng các đơn vị có liên quan cần phải sớm tìm ra tiếng nói chung, bàn bạc để có giải pháp sớm sửa chữa, khôi phục hoạt động của công trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục