Với việc tăng cường công tác quản lý, vận hành, sử dụng... nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phát huy hiệu quả.
Hàng nghìn hộ dân ở nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe, giúp người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương, là một trong những xã có công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Lợi Lê Văn Thu cho biết công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Đông Lợi được đầu tư xây dựng từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp nước cho 350 hộ dân trong xã.
Phải sống trong cảnh thiếu nước sạch từ lâu, do vậy, khi có chủ trương được xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, nhiều hộ dân trong xã đã tham gia đóng góp ngày công lao động để đào, đắp các tuyến ống dẫn nước. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui lớn cho người dân nơi đây.
Đặc biệt, tháng 10/2017, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Đông Lợi tiếp tục được đầu tư thêm hơn 7 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thiết bị, gồm xây dựng bổ sung hố thu nước và các chi tiết phụ trợ kèm theo; cụm xử lý các điểm đấu nối…
Đến nay, công trình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Việc đầu tư nâng cấp đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho 760 hộ dân trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, thôn An Lịch, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương, cho biết trước đây, gia đình ông phải sử dụng nguồn nước từ các giếng khơi, nước chưa qua xử lý nên đá vôi rất nhiều.
Các ấm nước, phích nước cứ sử dụng một thời gian là bị bám cặn đá vôi. Ngoài ra, nước giếng của gia đình còn phụ thuộc vào lượng mưa. Nếu mưa nhiều, giếng có nhiều nước. Ngược lại mỗi khi đến mùa khô, ít mưa, gia đình không có đủ nước để dùng. Thiếu nước sinh hoạt, sử dụng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, gia đình rất lo lắng.
Từ ngày có công trình cấp nước, được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, gia đình ông và các hộ dân trong thôn an tâm hơn khi sử dụng nước sinh hoạt.
Ngoài công trình cấp nước ở xã Đông Lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đang hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh cho hàng nghìn hộ dân tại địa phương.
[Tuyên Quang: Dân "khát" bên công trình nước sạch tiền tỷ]
Ông Đỗ Ngọc Ước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hùng Lợi, cho biết Hùng Lợi là xã 135 đặc biệt khó khăn ở Tuyên Quang, trong đó có khó khăn về thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, xã đã được đầu tư xây dựng sáu công trình cấp nước sinh hoạt (đang hoạt động hiệu quả), đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho 70% số hộ dân trên địa bàn. Có nước sinh hoạt, đời sống của người dân trong xã đã được nâng lên nhiều.
Chị Sùng Thị Phương (thôn Lè, xã Hùng Lợi) chia sẻ trước đây khi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt, gia đình chị và các hộ dân trong thôn phải đi lấy nước rất vất vả. Cả thôn chỉ có duy nhất một giếng vì vậy mỗi lần đi lấy nước phải chờ cả tiếng đồng hồ. Có hôm không chờ được, chị phải đi hàng km ra suối lấy nước về dùng tạm.
Nguồn nước thiếu thốn, gia đình dùng nước rất tiết kiệm. Cả nhà có năm người nhưng mỗi ngày chỉ được phép dùng năm thùng nước cho các nhu cầu sinh hoạt. Giờ có công trình cấp nước sinh hoạt, nước được đưa về tận nhà, nguồn nước đảm bảo, thuận tiện, người dân rất phấn khởi.
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 382 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động hiệu quả (đạt 86,5%). Việc sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước đã giúp người dân nông thôn, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe, hạn chế được các bệnh liên quan đến nguồn nước...
Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Tuyên Quang được phê duyệt đầu tư 30 công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, với tổng vốn thực hiện hơn 187 tỷ đồng; xây dựng mới, cải tạo 195 công trình cấp nước và công trình vệ sinh cho các trường học với tổng vốn hơn 30,3 tỷ đồng. Các công trình đảm bảo cung cấp nước cho hơn 13.400 hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học.
Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho biết để các công trình cấp nước tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh tiến hành tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình; thường xuyên thực hiện kiểm tra và duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật... các công trình cấp nước.
Hằng năm, Trung tâm sẽ tổ chức các buổi tập huấn, cấp chứng chỉ cho các cán bộ là công nhân quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho cán bộ quản lý, đảm bảo vận hành có hiệu quả các công trình cấp nước nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 95% dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh./.