Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng nhanh

Theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn do chăn nuôi chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp không đúng kỹ thuật
Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng nhanh ảnh 1Toàn cảnh một nhà máy cung cấp nước sạch tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng hơn 8% từ năm 2011 đến năm 2015.

Đến đầu năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn của cả nước được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,7%.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải không được quy hoạch một cách bài bản, xả thải một cách bừa bãi ra cống rãnh, ao hồ dẫn đến tình trạng những con mương đen ngòm với nhiều loại chất thải bốc mùi hôi thối tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.


[Triển khai tiêm vắcxin ComBE Five trên toàn quốc từ cuối tháng 12]

Chính vì vậy, Bộ Y tế vừa tăng cường triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện của các cấp, các tầng lớp nhân dân.

Theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn do chăn nuôi chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.

Quá trình chăn nuôi, chất thải không được xử lý đã ra các ao hồ, sông suối làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến người dân bị các bệnh lây lan như dịch tả, bệnh ngoài da, bệnh hô hấp và đặc biệt là căn bệnh hiểm nghèo như ung thư.

Ô nhiễm asen trong nước tập trung tại một số vùng nông thôn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá... Có 3/4 số hộ dân được điều tra tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng bị nhiễm asen cao hơn nhiều mức cho phép, trong đó tỉnh Hà Nam nhiễm cao nhất với 50/160 xã (chiếm 43%) có nguồn nước bị nhiễm asen...

Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Bộ Y tế đã được triển khai.

Đề án nhằm mục tiêu tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện của các cấp, các tầng lớp nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục