Người dân đồng thuận tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Khi hay tin Chính phủ đề xuất tái khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, người dân vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trước đây đều bày tỏ phấn khởi và đồng thuận cao.

Vùng đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) vẫn được người dân sản xuất. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Vùng đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) vẫn được người dân sản xuất. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Khi hay tin Chính phủ đề xuất tái khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, người dân vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trước đây đều bày tỏ phấn khởi và đồng thuận cao.

Người dân mong muốn dự án sớm triển khai một cách đồng bộ, có lộ trình cụ thể; đồng thời kỳ vọng nếu dự án triển khai sẽ mang lại sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

Đồng thuận với việc tái triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng mong muốn có xác định lộ trình cụ thể, nhằm tránh làm lãng phí nguồn lực, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương...Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là nơi trước đây được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

vna_potal_nguoi_dan_dong_thuan_chu_truong_dau_tu_du_an_dien_hat_nhan_ninh_thuan_7704150.jpg
Người dân ở thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), nơi chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 năm 2009 bày tỏ ủng hộ dự án. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Thắng (Trưởng thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh) cho biết: Vào năm 2009 khi thôn Vĩnh Trường được chọn triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân, người dân rất ủng hộ, đồng thuận cao. Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, người dân cũng đồng thuận dù sau đó cuộc sống có gặp khó khăn.

Nay hay tin Chính phủ đề xuất cho tái khởi động lại dự án, người dân trong thôn rất phấn khởi, những ngày qua người dân nơi đây ai nấy cũng rất quan tâm, phấn khởi theo dõi thông tin tái khởi động lại dự án điện hạt nhân, mong dự án được triển khai thực hiện sớm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Ông Phạm Văn Phê (46 tuổi, ở thôn Thái An) cho biết: Đất của gia đình ông nằm trong tâm vùng lõi của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây. Cuối năm 2016 có chủ trương dừng dự án, người dân gặp khó khăn vì có đất nhưng không được canh tác, không được xây dựng nhà ở… tuy nhiên, thời gian qua được Trung ương và tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân sản xuất trên đất thuộc dự án… nên cuộc sống có thay đổi. Nay, nếu tái khởi động lại dự án, gia đình đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, ông đề xuất, đa phần người dân nơi đây chỉ làm nông nghiệp nên nếu thu hồi đất làm dự án thì cần chính sách hỗ trợ định canh, định cư để người dân ổn định cuộc sống.

Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai phương án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư phù hợp đối với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với kinh phí 423 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương 273 tỷ, vốn ngân sách tỉnh 150 tỷ đồng để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình tại đây. Vừa qua, Ninh Thuận cũng có nguồn nhân lực được cử đi đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân tại các quốc gia.

Theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Giữ các vị trí đã quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, đảm bảo thuận lợi để thu hồi sau này khi có yêu cầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Quy hoạch để khai thác, sử dụng đất dự trữ chiến lược này hiệu quả, phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích của người dân ...; quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cấp bách phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng quy hoạch địa điểm xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đảm bảo đồng bộ, kết nối, liên thông với các khu vực xung quanh.”

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng nêu rõ: Thực hiện Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời theo chủ trương phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước; phù hợp với xu thế cơ cấu các nguồn điện năng lượng tái tạo cả nước ngày càng tăng theo định hướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Do vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đồng thuận về sự cần thiết nghiên cứu phát triển điện hạt nhân theo đề nghị góp ý của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 250/BC- BCT ngày 01/10/2024.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Nam cũng cho rằng, để phát triển điện hạt nhân, tỉnh cũng mong muốn cần xác định lộ trình phát triển cụ thể, nhằm tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân vừa qua.

Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Cùng đó, cần xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân.

Ninh Thuận có tiềm năng về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, được Chính phủ xác định là Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115 và năng lượng, năng lượng tái tạo là ngành trụ cột quan trọng số 1 của tỉnh trong quy hoạch tỉnh.

Do đó tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện hạt nhân cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành "Trung tâm công nghiệp xanh, sạch," nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho Ninh Thuận cũng như cho Quốc gia trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian đến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.