Người dân Lào, Campuchia tưng bừng đón Tết cổ truyền dân tộc

Người dân các dân tộc Lào bắt đầu tưng bừng đón Tết cổ truyền Bunpimay 2017 trong khi nhân dân Campuchia tổ chức các hoạt động chào mừng Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmei ba ngày.
Người dân Lào tưng bừng đón tết cổ truyền dân tộc. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Sáng 14/4, người dân các dân tộc Lào trên khắp cả nước bắt đầu tưng bừng đón Tết cổ truyền Bunpimay 2017 (tức năm 2560 Phật lịch) hay còn gọi là Boun Hotnam (Tết té nước) trong bầu không khí phấn khởi khi Lào vừa tổ chức thành công một loạt sự kiện liên quan tới Hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2016.

Năm nay, Tết cổ truyền của các dân tộc Lào anh em diễn ra trong 3 ngày từ 14-16/4 dương lịch.

Sư thầy Okath Pethsisanovong, chùa Simeang ở thủ đô Vientiane, cho biết theo truyền thống và nghi thức cổ truyền của dân tộc Lào, trong ba ngày Tết mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng và mỗi gia đình đều phải tổ chức nghi lễ theo phong tục tập quán truyền thống trong từng ngày Tết đúng theo ý nghĩa của từng ngày.

Ngày thứ nhất (14/4) là ngày chuẩn bị tiễn đưa năm cũ, mỗi gia đình sẽ làm lễ để tưởng nhớ công ơn, công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã cho họ có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.

Buổi sáng, người dân quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm, một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Vào buổi chiều, người dân tập trung đến các chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo.

Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước.

Ngày thứ hai (15/4) là giao thời giữa năm cũ và năm mới, là ngày để người Lào đi thực hiện nghi lễ giữ gìn phong tục tập quán, giữ gìn đạo đức nhân phẩm của con người theo giáo lý nhà Phật. Theo đó, cha mẹ sẽ đưa con cái, hoặc đi cùng cả dòng họ đến những nơi được coi là quan trọng, như đến Chùa để nghe các sư thầy giảng giải về giáo lý nhà Phật, dăn dạy cho từng người, từng gia đình không được làm điều xấu, phải làm việc thiện và phóng sinh các loài động vật như rùa, cá, cua, chim... để lấy phước.

Ngày thứ ba (16/4) gọi là ngày đón năm mới, các gia đình đều tổ chức tụ họp, quây quần bên nhau để nhìn lại một năm đã qua, để bàn bạc, quyết định về những việc đại sự mà các thành viên trong gia đình có ý định thực hiện trong năm mới, hoặc quyết định về các việc đại sự chung của cả gia đình. Đồng thời, đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để đề ra các kế hoạch cho gia đình và cho từng thành viên trong gia đình trong năm mới sắp đến.

Bên cạnh các hoạt động tôn giáo và xum vầy gia đình, phần đặc sắc nhất trong Tết Lào chính là hoạt động té nước, diễn ra bắt đầu từ chiều 14/4 sau khi thực hiện nghi lễ tắm Phật. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Vì thế, trước khi té nước, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc thọ và sức khỏe.

Tục té nước ngày Tết cổ truyền BunPiMay của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những “gầu” nước dội lên khắp người khi đến thăm, bởi theo quan niệm của người Lào, ai bị ướt nhiều sẽ hạnh phúc và gặp may mắn nhiều hơn.

Tết BunPiMay năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước Lào liên tục có những phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua, kinh tế luôn duy trì tốc độ phát triển cao trong khu vực, chính trị và xã hội ổn định, đời sống của người dân ngày một nâng cao. Bên cạnh đó, việc Lào đảm đương thành công cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2016 cũng đã giúp nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và quốc tế, điều này giúp cho người dân Lào bước vào năm mới 2560 theo Phật lịch trong một tâm thế hứng khởi hơn, vui tươi hơn, với một niềm tin vững chắc về sự phát triển và thịnh vượng của đất nước trong những năm tới.

Hòa cùng không khí đón Tết cổ truyền của nhân dân các nước Lào, Myanmar và Thái Lan, bắt đầu từ ngày 14/4, Chính phủ và nhân dân Campuchia tổ chức các hoạt động chào mừng Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmei ba ngày.

Phóng viên TTXVN tại Campuchia cho biết hầu hết các hoạt động chào mừng năm mới cấp quốc gia của đất nước Chùa Tháp được tổ chức tại cố đô du lịch Siem Reap, nơi tọa lạc quần thể kỳ quan đền cổ Angkor Wat, Angkor Thom đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Các địa phương khác sẽ tổ chức các hoạt động chào mừng năm mới cấp địa phương.

Các hoạt động chào mừng năm mới năm nay gồm các hoạt động thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, thực hiện nghi lễ tắm Phật, chúc phúc buộc chỉ cổ tay, té nước,... mang đến không khí vui tươi, đầm ấm, cầu chúc cho một năm mới yên vui, tốt lành. Đại diện Thượng viện, Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ tham gia và khai mạc các hoạt động chào mừng năm mới cấp quốc gia tại Siem Reap.

Trong thời gian ba ngày diễn ra các hoạt động chào mừng năm mới, các cơ quan Nhà nước sẽ được nghỉ làm việc, các em học sinh sẽ được nghỉ học.

Theo phong tục, trong khoảng từ ngày 13-16/4 hàng năm sẽ là Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmei của nhân dân Campuchia, Tết cổ truyền Bun Pi May của nhân dân Lào, Tết cổ truyền Thing Yan của nhân dân Myanmar và Tết cổ truyền Trut Sonkran của nhân dân Thái Lan.

Đây là một trong những lễ hội quốc gia lớn nhất được tổ chức vào thời điểm chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa, là dịp người dân những nước này đi chùa cầu phúc, thể hiện tình cảm yêu quý trân trọng đối với gia đình, người thân và tổ chức các hoạt động vui chơi để đón một năm mới may mắn, hạnh phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục